Lưu giữ nét xưa...

Thư Hoàng 23/05/2021 09:20

Bằng tình yêu với các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, nhóm Ký họa Đô thị Hà Nộiđã có những đóng góp lặng lẽ thông qua hình thức ký họa.

Bằng tình yêu với các công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng, một số kiến trúc sư – họa sĩ đã thành lập nhóm và triển khai những dự án nghệ thuật cộng đồng.

Họ chọn ký họa để lưu lại những nét xưa có nguy cơ mai một nhằm góp thêm một tiếng nói, hay ít nhất cũng kịp lưu lại nhiều công trình văn hóa trước nguy cơ biến mất.

1. Đó là nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (USK Hà Nội) do kiến trúc sư (KTS) Trần Thị Thanh Thủy, Đinh Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Lâm sáng lập. Tháng 9/2016, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội được thành lập, và tìm cho mình một hướng đi riêng.

Các thành viên sáng lập đã bàn thảo rồi đi tới quyết định một hướng đi chung cho nhóm: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của các địa danh trong thành phố, đặc biệt quan tâm đến những công trình cổ có giá trị trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội.

Khởi đầu như thế và chỉ không lâu sau đó, nhóm đã nhanh chóng quy tụ được khá đông thành viên tham gia. Điều thú vị và làm nên sự đa dạng của nhóm cũng chính là sự đa dạng của thành viên, từ giới chuyên môn với những nhà kiến trúc, họa sĩ cho tới nhân viên văn phòng, sinh viên các trường đại học, thậm chí cả học sinh tiểu học...

Theo KTS Trần Thị Thanh Thủy - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, Trưởng Nhóm Ký hoạ Hà Nội, đến nay USK Hà Nội đã có trên 5.000 thành viên ở khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, còn có một số người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội tham gia…

Ký họa là hình thức vẽ nhanh, ghi lại những nét chủ yếu nhất về cảnh vật, con người, tùy thuộc vào ý định của mỗi người để làm tài liệu cho sáng tác tranh, tượng. Ký họa đô thị là một phần trong ký họa. Mỗi người lại có cách truyền tải khác nhau trên trang giấy. Người vẽ bằng chì, bằng dạ chỉ với màu đen, trắng nhưng có người lại thích điểm tô màu sắc, tạo nên sự phong phú trong tranh.

“Ngay từ khi thành lập chúng tôi đã xác định, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội gồm các thành viên yêu Hà Nội, yêu cái đẹp và mong muốn lưu giữ những giá trị của đô thị thông qua ký họa, một hình thức ghi lại nhật ký đô thị bằng hình ảnh. Hoạt động của nhóm không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của các công trình đô thị mà còn lan tỏa tình yêu với đô thị cho cộng đồng bằng ký họa”- KTS Thanh Thủy chia sẻ.

2. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay USK Hà Nội đã có nhiều hoạt động thú vị không chỉ quanh quanh các địa danh, di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội. Nhóm Ký họa này đã có những cú “vươn mình” để đến với những dự án nghệ thuật mang tính cộng đồng rộng hơn.

Có thể nhắc tới sự kiện “Ký họa mùa vàng Mù Cang Chải 2020” tại Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) do Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (USK Hà Nội) phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Tỉnh Yên Bái, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, Ủy ban Nhân dân Thị trấn Mù Cang Chải tổ chức.

Gần 300 bức vẽ đã được hơn 150 họa sĩ, nghệ sĩ, người yêu ký họa hoàn thành. KTS Trần Thị Thanh Thuỷ - chia sẻ: “Nhóm hoạt động phi lợi nhuận và với mong muốn tôn vinh những vẻ đẹp của di sản các địa phương, đưa vẻ đẹp di sản ấy đến với cộng đồng trong nước và quốc tế, nhằm mục đích chung tay, gìn giữ di sản. Nhóm tổ chức được nhiều sự kiện tại các vùng di sản khác nhau trong nước”.

Đặc biệt, trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến, nhóm đã phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành “Hành trình Ký họa di sản Cố đô Huế 2021”.

Đây là hành trình nghệ thuật nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế thông qua hoạt động ký họa trực tiếp các khía cạnh của cuộc sống như các công trình kiến trúc, các công trình văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực Huế…

Hoạt động này hướng tới chọn lựa những tác phẩm có chất lượng tốt để Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức trưng bày triển lãm mỹ thuật, xuất bản ấn phẩm “Ký họa di sản Cố đô Huế”; ứng dụng một số hình ảnh ký họa về Huế lên một số sản phẩm như áo dài, nón, áo pull, túi xách... trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2021 nhằm góp phần quảng bá di sản văn hóa Huế; thu hút sự quan tâm của công chúng và đóng góp cho đời sống tinh thần của nhân dân.

3. Không chỉ vậy, một mục đích khác của nhóm còn hướng tới là kết nối cộng đồng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị văn hóa mang tính bản địa. Như khi đến Mù Cang Chải, nhóm mời các em nhỏ tới, phát giấy, phát mầu cho các em vẽ để từ đó lan truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ, gìn giữ di sản của địa phương.

Ban đầu, nhóm cũng chỉ đặt mục tiêu vận động khoảng 50 em học sinh ở Mù Cang Chải tham gia, nhưng con số có mặt thực tế đã lớn hơn rất nhiều. Với sự hướng dẫn của các thành viên trong nhóm, các em bé dân tộc lần đầu làm quen với giấy, với màu đã có nhiều góc nhìn thú vị. Mỗi bức tranh, vì thế, đều mang một vẻ đẹp riêng mà trong đó, người xem cảm nhận được những cảm xúc thật tự nhiên của mỗi em về quê hương Mù Cang Chải thân yêu.

Sau chặng đường 5 năm hoạt động, USK Hà Nội cũng đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Hàng trăm bức ký họa đã được tập hợp để xuất bản thành những cuốn sách như “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” và gần đây là “Ấn tượng Hà Nội từ ký họa những công trình thời Pháp”.

Tất nhiên, để những ấn phẩm này có sức nặng hơn, còn có thêm nhiều bài viết, những kỷ niệm gắn bó của các KTS, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa về các công trình, địa danh, di tích lịch sử cho bạn đọc hiểu tường tận hơn.

Có thể nói, bằng tình yêu với các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, nhóm USK Hà Nội đã có những đóng góp lặng lẽ thông qua hình thức ký họa. Dấu ấn của họ để lại phải nói là có nét riêng, không bị lẫn. Tình yêu Hà Nội của họ lại bền bỉ hơn, lan tỏa và ngày càng cuốn hút hơn qua những chuyến đi thực tế, qua những cuốn sách như những trang nhật ký hành trình.

Và càng ngày, càng thấy sức vươn mình của nhóm, để đến và ký họa các di tích văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước…

Năm 2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến, trong những ngày giãn cách xã hội, USK Hà Nội đã phát động thử thách vẽ ký họa liên tục trong 14 ngày. Sau 14 ngày, 400 bức ký họa của 50 thành viên đã được công bố. Qua các tác phẩm, người xem có thể cảm nhận về sự khẩn trương, quyết liệt và nhiều điểm riêng có của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đó là những chia sẻ về bữa ăn quây quần, bài tập thể dục nâng cao sức khỏe, biện pháp thực hiện phòng, chống dịch... Năm nay, các thành viên vẫn ghi chép cuộc sống “mùa Covid” theo cách riêng của từng người và chia sẻ trên trang facebook của nhóm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu giữ nét xưa...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO