Nhà máy lưu trữ carbon (CO2) lớn nhất thế giới vừa được Iceland xây dựng và đưa vào hoạt động hồi đầu tháng 5.
Nhà máy được xây dựng bởi một công ty Thuỵ Sĩ tên là Climeworks, có kích thước lớn gấp 10 lần nhà máy đầu tiên tên Orca đã đi vào hoạt động từ 2021.
Nhà máy này đã ứng dụng công nghệ DAC (công nghệ thu giữ không khí trực tiếp) để hút khí và sau đó lọc carbon ra bằng hoá chất. Phần carbon này sẽ được chôn dưới lòng đất nhằm mục đích bảo quản hoặc trực tiếp tái sử dụng.
Theo kế hoạch của Climeworks, họ sẽ hợp tác với công ty Carbfix của Iceland để xử lý lượng carbon được họ chôn dưới đất thành đá để tránh chúng bị rò rỉ ra ngoài. Toàn bộ quá trình này sẽ được sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.
Những giải pháp về khí hậu mới mẻ như DAC đang dần được đón nhận. Theo một khảo sát của Climate.gov vào năm 2023, lượng khí carbon toàn cầu đang tăng ở tốc độ đáng báo động. Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc tìm ra giải pháp để loại bỏ carbon trong khí quyển và cắt giảm lượng nhiên liệu hoá học bị tiêu thụ là bức thiết.
Tuy nhiên, những công nghệ loại bỏ carbon như DAC vẫn còn nhiều tranh cãi. Chúng được nhận xét là tốn kém, hao năng lượng và chưa có chứng minh nào về việc chúng có hiệu quả ở quy mô lớn. Một số nhà vận động khí hậu lo ngại, nếu quá tập trung vào công nghệ mới có thể khiến việc đưa ra các chính sách cắt giảm nhiên liệu hóa thạch bị chậm tiến độ.
Bà Lili Fuhr, Giám đốc quản lý chương trình chuyển hóa hóa thạch ở Trung tâm luật môi trường quốc tế, cho rằng, công nghệ này cũng chứa đựng nhiều rủi ro sinh thái.
Nhà máy Mammoth dự kiến sẽ lọc được 36.000 tấn carbon khỏi khí quyển trong vòng một năm ở công suất tối đa. Tuy họ không đề cập cụ thể chi phí cho mỗi tấn carbon được loại bỏ là bao nhiêu, nhưng chúng được ước lượng sẽ rơi vào khoảng gần 1.000 USD.
Theo ông Jan Wurzbancher, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc của Climeworks, chia sẻ với CNN, mục tiêu của họ trong thời gian tới là hạ giá thành xuống 300-350 USD/tấn vào năm 2030 và xuống 100 USD/tấn vào năm 2050 để giúp công nghệ này khả thi hơn.
Ông Stuart Haszeldine, Giáo sư nghiên cứu chuyên sâu về thu giữ và lưu trữ CO2 ở Đại học Edinburgh, cho rằng, nhà máy mới này là một bước tiến quan trọng trong quá trình chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, quy mô nó vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Các thiết bị loại bỏ carbon hiện hành chỉ có thể loại bỏ khoảng 0,01 triệu tấn/năm, bị Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá là quá thấp so với mục tiêu loại bỏ 70 triệu tấn để đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Ông Jan Wurzbacher cho biết, Mammoth chỉ là giai đoạn mới nhất trong kế hoạch mở rộng quy mô thu giữ CO2 lên một triệu tấn/năm vào năm 2030 và một tỷ tấn vào năm 2050. Trong tương lai, họ dự kiến sẽ xây dựng thêm các nhà máy DAC ở Kenya và Mỹ.