Cùng với quy chế thi, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng có những thay đổi, không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Đề thi hướng đến đánh giá năng lực
Về những điểm mới của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp; trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.
Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.
Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn do thí sinh tự chọn trong các môn học lựa chọn ở lớp 12.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, kỳ thi sẽ được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi sẽ giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Số lượng môn thi trong kỳ thi tăng so với trước đây và thí sinh được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn, do đó việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới.
GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, trong quá trình xây dựng quy chế thi, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như: bóc đề thi, phát đề thi, thu bài thi cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi.
Những khó khăn phức tạp này sẽ chỉ ở cấp quản lý và trong ngành Giáo dục, còn đối với thí sinh thì mọi cách thức sẽ được triển khai bảo đảm thuận lợi hơn, dễ dàng hơn so với những năm trước đây.
Ví dụ từ năm 2024 trở về trước, các thí sinh có thể phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi, điều này gây khó khăn và vất vả cho thí sinh trong việc theo dõi. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định duy nhất trong suốt các buổi thi.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, GS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý, thí sinh cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất.
Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.