Năm 1997, Ly Cung nhà Hồ nằm ở thôn Hưng Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) được xếp hạng khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng từ đó đến nay, khu di tích này chưa từng nhận được sự quan tâm xứng tầm trong việc trùng tu, tôn tạo. Thời gian cộng với sự hờ hững của hậu thế đã khiến một di tích mang trong mình nhiều ý nghĩa lớn lao dần trở thành phế tích!
Ông Lê Hội chỉ về chính điện được người dân quyên tiền dựng tạm.
“Vàng son một thủa!”
Ly cung nhà Hồ hay còn gọi là cung Bảo Thanh, gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly - một nhân vật lịch sử khai sinh triều đại nhà Hồ ở nước ta vào thế kỷ 14. Di tích này nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ. Theo sử sách ghi lại, công trình cung Bảo Thanh được Hồ Quý Ly đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành tổng hành dinh chống ngoại xâm và là nơi đàm luận việc quân cơ của vua tôi nhà Trần.
Ông Lê Hội - người được cắt cử trông coi di tích đã lý giải cho chúng tôi nghe, tại sao Hồ Qúy Ly lại xây dựng nơi này và đặt tên gọi Ly Cung. Sử xưa có chép rằng: Hồ Quý Ly thấy triều Trần đã đến hồi mục ruỗng nên có ý đồ đảo chính để thay thế và dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô để nói lên tư tưởng ly khai. Cũng theo nhiều tài liệu ghi chép và nghiên cứu cho biết, cung Bảo Thanh thuở ấy có tên là Ly Cung bao hàm, Ly nghĩa là sáng chói, tỏa ra, phô trương ra ngoài; Cung là nơi ở của vua. Cũng cần nói thêm rằng thân mẫu của Hồ Qúy Ly là người đất Kim Sơn, xã Hà Đông, huyện Hà Trung nên khi lập cung, Hồ Quý Ly đặt tên cho cung Bảo Thanh ở đất Kim Âu xứ Thanh quê mình là Ly Cung.
Cũng theo ông Lê Hội thì Ly Cung được chọn và đặt ở một vị trí khá đẹp về mặt phong thủy. Ly Cung tựa núi Kim Âu, hai bên tả, hữu là một hệ thống đồi, núi, cao nhất là núi Ca Để (350m) – tạo thế tay ngai. Trước mặt là sông Lèn (đoạn chảy qua vùng này trước đây có tên là sông Đại Lại), gặp sông Mã ở phía Tây và chảy ra biển ở cửa Thần Phù. Xa hơn, chừng hơn 10km ở mạn Bắc là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, cửa ngõ của xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa Bắc muốn vào Nam qua chặng này bằng đường bộ không còn cách gì khác là len lỏi qua những đèo, những thung... Từ Ly Cung, muốn ngược lên phía Tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào.
Ngoài ra, Ly Cung có bốn mặt án ngữ bằng bốn quả núi lớn: Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, và phía Nam có núi Đốn Sơn. Con đường nối giữa thành nhà Hồ đến Ly Cung chủ yếu bằng đường sông Bưởi chảy từ phía Đông tới hội tụ với sông Mã ở phía Tây chảy qua. Còn về thời gian xây dựng Ly Cung chính xác vào khi nào, trong bao lâu đến nay chưa tìm thấy cứ liệu lịch sử để chứng minh nhưng theo phỏng đoán Hồ Qúy Ly cho xây dựng Ly Cung sớm hơn thành nhà Hồ 1-2 năm là do từ trước Hồ Qúy Ly muốn xây dựng sự nghiệp đế vương ở một nơi ở mới trước khi chiếm ngôi vua?
Nếu tính về quy mô của Ly Cung lúc bấy giờ thì phải đến hơn vài chục hecta. Những phần di tích còn sót lại lúc này cho thấy không những Ly Cung chỉ có phần chính điện, sân và chùa Phong Công mà còn có hệ thống thành lũy được đắp cao ở ba mặt. Phía sau của Ly Cung còn có hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống gọi là Xạ để phục vụ Hậu Cung và người dân vùng lân cận.
Khi giặc Minh xâm lược nước ta, Ly Cung nhà Hồ bị tàn phá. Năm 1942, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhân chuyến đi qua vùng Lèn (Hà Trung) đã phát hiện ra phế tích kiến trúc cũ đổ nát. Đến năm 1979, sau nhiều đợt thám sát, giới khảo học mới tìm ra và khẳng định đây chính là Ly Cung nhà Hồ. Từ đó, trong các năm 1979 - 1985, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật làm 4 đợt ở Ly Cung trên diện tích rộng 600m2.
Trong đó, ở kiến trúc hoàng cung đã tìm thấy hàng đá xanh bó móng được gia công thành những khối vuông vức, đầu tiếp giáp có lỗ đổ cá bằng chì, liên kết với nhau thành một khối. Bên ngoài hàng đá xanh bó nền là hàng gạch hoa bó vỉa bao quanh, điểm ngoài kế tiếp có hàng gạch bìa xếp đứng. Trên nền chính điện còn sót lại những tảng đá như một minh chứng về sự đồ sộ của Ly Cung. Phần sân điện có bố cục gần vuông, toàn bộ mặt sân lát bằng loại đá phiến với kích thước khá lớn, có điểm gạch hoa bao xung quanh…
Trên đà trở thành phế tích
Theo như những gì còn sót lại của Ly Cung hiện tại có tấm bia đá lớn trên khắc chữ Hán do ông Lê Tương Dực một vị quan nhà Lê, năm Hùng Thuận Thứ 3 ghi lại. Ngoài ra còn có ngôi nhà thờ được người dân xây dựng từ năm 1997 nay đã xuống cấp và rất nhiều tảng đá móng, ngói vỡ và gạch lát còn vương vãi khắp nơi.
Khu Ly Cung chỉ còn lại tấm bia cổ và hàng móng cột đá bị cỏ phủ lấp.
Ông Lê Hội cho biết: “Theo những gì tôi nhớ lại được thì trước đây nơi này còn lại chính điện lưu giữ những pho tượng đá cùng với khối đá lớn dùng để thờ cúng, thế nhưng trải qua năm tháng chiến tranh và sự ăn mòn của thời gian nên nơi này giờ chẳng còn lại gì nhiều. Người dân chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo lại khu di tích lịch sử này”.
Cũng theo ông Hội thì sau nhiều lần Viện khảo cổ học Việt Nam vào đây khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị. Dù di tích không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã công nhận Ly Cung nhà Hồ là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ khi công nhận đến nay, di tích lịch sử này chưa một lần được đầu tư xây dựng xứng tầm. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, người dân địa phương đã quyên góp xây dựng khu nhà tạm cho người trông coi di tích, xây dựng hệ thống tường rào bao quanh để tránh gia súc vào phá hoại, xây dựng cung thờ để người dân vào dâng hương dịp lễ.
Quý giá nhất tại khu di tích này có lẽ là tấm bia đá lớn còn sót lại. Đây là tấm bia được một văn sĩ đời sau khi đi qua Ly Cung nhà Hồ, thấy phong cảnh hữu tình cũng như những giá trị lịch sử to lớn của khu di tích này đã cho khắc bia. Tấm bia bị bỏ mưa nắng xuống cấp, năm 2004, huyện Hà Trung đã hỗ trợ số tiền 70 triệu đồng để xây dựng nhà bia.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Hà Đông, huyện Hà Trung cho biết: Trước sự tàn phá của thời gian và một phần do con người, Ly Cung đã thêm nhiều hoang phế, đổ nát. Dù được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên nó lại đang tồn tại như một phế tích. “Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ xây dựng, nhưng vẫn chưa có kế hoạch đầu tư. Để bảo vệ khu di tích, biên pháp duy nhất mà xã có thể làm là cho xây dựng tạm hàng rào thép gai để tránh trâu bò vào phá hoại. Chúng tôi mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm sớm đầu tư, trùng tu tôn tạo để gìn giữ khu di tích mang ý nghĩa lịch sử quan trọng này” - ông Vĩnh bày tỏ mong muốn!