Văn hóa

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật: Không thể xa rời thực tiễn

Nam Anh 26/11/2024 11:09

Hội đồng Lý luận phê bình (LLPB) văn học nghệ thuật TPHCM vừa tổ chức tọa đàm "LLPB văn học, nghệ thuật TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp". Nhiều ý kiến cho rằng công tác này thời gian qua dù có những biến chuyển theo hướng tích cực nhưng vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

anhbaitren.jpg

Còn né những vấn đề gai góc

PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên hoạt động ở lĩnh vực mỹ thuật cho rằng, thực trạng LLPB mỹ thuật còn biểu hiện già cỗi, xa rời thực tế, thiếu khoa học. "Tại Hội Mỹ thuật TPHCM chuyên ngành Lý luận có 19 hội viên thì có tới 2/3 hội viên là các nhà lý luận không chuyên. Chỉ có khoảng 1/3 hội viên còn viết bài nghiên cứu công bố trên các tạp chí, tham gia các hội thảo trong nước, quốc tế. Mảng phê bình mỹ thuật rất lâu không có nhà LLPB mỹ thuật chuyên nghiệp nào xuất hiện. Chỉ có một vài nhà báo, yêu thích mỹ thuật có bài đăng trên vài tờ báo hay thông tin mạng" - ông Tiên nói.

Còn với lĩnh vực điện ảnh, PGS.TS Phan Thị Bích Hà cho rằng mối quan hệ giữa các nghệ sĩ sáng tác và người làm công tác LLPB không "nồng đượm"; phê bình điện ảnh cần trung thực, khách quan, “vừa phê mà phải bình” không nghiêng lệch quá nhiều về những cảm nhận mang tính chủ quan. Nhưng hiện nay xu hướng trong phê bình điện ảnh là né những vấn đề gai góc, các bài viết giới thiệu phim là chính và khen ngợi cho an toàn… Từ đó, bà Hà cho rằng công tác LLPB đôi khi xem như "khung thành bỏ trống". Trong khi đó, theo nhà văn Bích Ngân, thời gian qua công tác LLPB chưa đi kịp với đời sống sáng tạo nghệ thuật, thậm chí còn lùi phía sau.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhận xét, LLPB văn học, nghệ thuật kế thừa những thành tựu trong 50 năm qua, nhưng vẫn có những mặt hạn chế. LLPB có "nhảy" nhưng chưa "vọt" nên chưa tiến xa; cần tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý, tăng cường bản lĩnh về mặt chính trị, tính định hướng, giáo dục, khoa học, sắc bén và hiệu quả.

Đó là thực trạng cùng những vấn đề đặt ra với công tác LLPB văn học nghệ thuật của TPHCM, nhưng cũng có thể coi là bức tranh chung trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực này. Tại một số hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng đời sống văn học nghệ thuật hiện nay chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. LLPB văn học nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. LLPB văn học, nghệ thuật ở các lĩnh vực có những biểu hiện già cỗi, xơ cứng, kém năng động, xa rời thực tiễn sáng tác…

Không để “hụt hơi” về lực lượng

Với lĩnh vực văn học, hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam đều xét kết nạp hội viên cũng như xét tác phẩm trao giải thưởng. Tuy nhiên số lượng các tác giả, tác phẩm mảng LLPB chiếm số lượng rất khiêm tốn so với chuyên ngành thơ, văn xuôi. Như năm 2021, trong số 34 hội viên mới được kết nạp chỉ có 3 hội viên LLPB. Đến năm 2022, hội viên LLPB chỉ chiếm 2/44 hội viên mới được kết nạp.

Tình hình cũng không mấy khả quan ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu... Trừ 2 trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội, TPHCM quy tụ được nhiều tác giả cả ở mảng sáng tác cũng như LLPB, còn hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay đội ngũ những người làm LLPB chuyên nghiệp gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Còn trong lĩnh vực đào tạo, sức hút của chuyên ngành LLPB đối với người trẻ là vô cùng hạn chế. Tại Trường Đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, nhiều năm chuyên ngành LLPB về múa, sân khấu, nhiếp ảnh không có hồ sơ dự tuyển. Khoa LLPB của Trường Đại học Sân khấu Ðiện ảnh TPHCM cũng đã bỏ trắng nhiều năm vì không có sinh viên. Còn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, việc đào tạo sinh viên chuyên ngành sáng tác và chuyên ngành LLPB từng có thời gian gộp chung trong Khoa Sáng tác và LLPB văn học.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần phải củng cố lực lượng hiện tại, giữ chân những người đã và đang làm công tác LLPB bằng cách quan tâm, tạo điều kiện cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, đủ để tái tạo sức lao động cho người làm công tác LLPB. Cùng đó, cần tăng cường phát hiện, bổ sung lực lượng, nhất là người trẻ. Đội ngũ làm LLPB cũng rất cần một sự phát triển vững chắc trên cơ sở có sự tham gia của nhiều thế hệ, tạo sự liền mạch, không bị thiếu hụt nửa chừng.

Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương, có lúc cả nền văn học "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình" nhưng cũng có lúc tưởng như nhà nhà, người người đều là nhà phê bình. Ông Thưởng cũng cho rằng đội ngũ phê bình thực thụ của chúng ta đang thưa vắng, mai một dần. Ở lĩnh vực văn học vốn được xem là có đội ngũ đông đảo hơn cả cũng chỉ có thể lác đác kể tên vài người.

Tương tự, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam nhận xét, một trong những thực tế nhãn tiền của phê bình văn học nước nhà nhiều năm nay là sự "hụt hơi" về lực lượng. Nhiều người tham gia viết phê bình văn học ở ta đã cao tuổi. Những người này - gọi một cách ước định, là các "nhà phê bình văn học già" - khi nhìn về thế hệ kế tiếp hẳn sẽ không tránh được những lúc phải giật mình.

Rất nhiều vấn đề lớn trong đời sống văn học, nghệ thuật, điện ảnh... cần tiếng nói công tâm của các nhà lý luận phê bình văn học. Nhưng công chúng dường như... không tìm thấy họ. Còn theo nhạc sĩ, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều người có chuyên môn còn ngại xuất hiện, cho ý kiến đánh giá về các hiện tượng âm nhạc. Việc ngại dấn thân vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống lớn, tồn tại nhiều năm nay. Chính vì vậy mà mảnh đất phê bình âm nhạc được các nhà phê bình không chuyên… “gánh vác hộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật: Không thể xa rời thực tiễn