Dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, nhưng không ít địa phương vẫn ra các quy định khó hiểu, mỗi nơi một kiểu khiến hàng hoá ùn ứ, giao thông ách tắc. Người tham gia giao thông, đặc biệt là doanh nghiệp đang bức xúc vì như lạc vào “ma trận” giấy đi đường.
Đảm bảo thông suốt vận chuyển hàng hoá
Để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt, Bộ GTVT vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các tỉnh, thành phố chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Báo cáo kết quả rà soát về Bộ GTVT trước ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Dịp này, Bộ GTVT “điểm mặt” các địa phương đưa ra các quy định khác nhau, gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hoá. Đơn cử: TP Cần Thơ đưa ra hàng loạt “giấy phép con” gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc của các lái xe, doanh nghiệp, chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP HCM của một số doanh nghiệp.
Hay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: tại chốt Km38 QL51, từ chiều ngày 24/8, Ban phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chỉ đạo test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực. Tại tỉnh An Giang: các lái xe khi vào tỉnh An Giang phải tiến hành test nhanh cho tất cả các trường hợp, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua. Điều này đã gây bức xúc đối với lái xe, doanh nghiệp.
Với TP Hải Phòng, yêu cầu phải có PCR âm tính và tiêm 2 mũi vaccine cho người vào thành phố công tác; xe có mã QR kiểm soát theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Các trường hợp vào Hải Phòng công tác phải có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT - PCT (có giá trị trong vòng 72 giờ) xét nghiệm tại địa phương xuất phát hoặc đi qua trước khi vào Hải Phòng. Giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và văn bản đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh lại yêu cầu lái xe phải âm tính PCR trước 48 giờ, khuyến khích tiêm 2 mũi. Riêng người từ tỉnh khác về Quảng Ninh phải đủ cả 2 điều kiện (âm tính trước 48 giờ và tiêm 2 mũi vaccine, trực tiếp khai báo y tế), nếu ở tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì phải cách ly 14 ngày + 7 ngày tại nhà…
Doanh nghiệp bị động
Trước đó, các hiệp hội, hội như: Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đồng kiến nghị gửi Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, TP HCM cấp giấy đi đường cho hội viên để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội.
Phản ánh từ cộng đồng DN, đợt giãn cách mới nhất của TP HCM từ 23/8 đến 15/9 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN. Nhiều DN đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Cụ thể, theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, DN đề nghị cấp giấy đi đường cho 20 nhân viên song Sở Công Thương TP HCM chỉ duyệt cấp 2 giấy.
“Công việc phát sinh đột biến, hạ tầng cơ sở lẫn nhân sự không thể kham nổi. Năm nay, các DN xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh. Giá trị xuất khẩu của Tập đoàn Phúc Sinh trong 7 tháng đầu năm giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giải quyết vấn đề này, cần cho DN tự cấp giấy đi đường, tự chịu trách nhiệm theo số lượng được hướng dẫn”, ông Thông đề xuất.
Còn ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cho hay: Việc khống chế cấp phép cho 10% số người của một DN được đi lại trên đường là hợp lý để nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần cung cấp thông tin đầu mối cấp giấy đi đường rõ ràng cho DN để tránh tình trạng bị động, phải chạy tới chạy lui.
Bởi DN thực hiện “3 tại chỗ” nhưng vẫn có rất nhiều việc cần nhân sự di chuyển ở bên ngoài như mua thực phẩm cho bếp ăn, lấy nguyên liệu về nhà máy, chuyển sản phẩm đi… Nếu không được tạo điều kiện thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay: Sở đang khẩn trương rà soát hồ sơ, cấp giấy đi đường theo phom (form) mẫu của cơ quan công an cho người lao động của 3 lĩnh vực thuộc thẩm quyền Sở cấp, gồm: các hệ thống phân phối, DN có đơn hàng xuất nhập khẩu và đội ngũ lao động của cơ quan điện lực.
“Sở nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường của DN gửi về, nhưng chỉ nhận được 40.000 form mẫu của Công an thành phố nên buộc phải cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ”, ông Phương thông tin.
Ùn ứ nông sản do ách tắc vận chuyển
Cũng liên quan đến giấy đi đường, người chăn nuôi các tỉnh miền Đông cũng đứng trước nguy cơ bị phá sản do ách tắc trong vận chuyển gia súc, gia cầm về TP HCM. Các hiệp hội chăn nuôi kiến nghị nên có quy định cấp phép giấy đi đường rõ ràng cho việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào TP HCM.
Tổ công tác phía Nam của Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, trong thời gian này nguồn cung sản phẩm chăn nuôi khá đa dạng nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Nguyên nhân là bởi các phương tiện vận chuyển thịt heo từ các cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Hòa Phú, Lộc An và Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) ra các hệ thống siêu thị không xuất trình được giấy đi đường theo quy định mới nên gặp khó khăn trong di chuyển.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP HCM xác nhận cơ sở giết mổ An Nhơn (quận Gò Vấp) và Vissan (quận Bình Thạnh) không nhập mới gia súc, gia cầm do gặp khó trong việc xin giấy đi đường cho đội ngũ công nhân giết mổ và phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm sống vào cơ sở cũng như vận chuyển trở lại hệ thống phân phối.
Cùng chung cảnh ngộ, sầu riêng ở Đắk Lắk đang vào vụ nhưng giá “tụt dốc” từng ngày, việc bán ra cũng gặp khó khăn khiến người nông dân như ngồi trên đống lửa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (Giám đốc Công ty TNHH MTV thu mua trái cây Minh Yến) cho biết: Gần 10 ngày qua, vựa đóng của tạm nghỉ, vì hàng mua vào không xuất được. Đầu mùa, chị mua vào với giá 48.000 đồng/1kg để đóng hàng xuất đi Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng cả 10 ngày nay không xuất được chuyến hàng nào, không có chuyến xe nào chạy.
Để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn được thuận lợi, địa phương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, thực hiện test nhanh, hỗ trợ y tế tại chỗ, cho tiêm vaccine toàn bộ thương lái, tài xế, thợ cắt sầu riêng. Tuy nhiên, đến nay thương lái, tài xế và thợ cắt sầu riêng đến còn ít do quy định đi lại giữa các địa phương còn khó khăn.
Cũng tại hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 theo hình thức trực tuyến mới đây. Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Theo báo cáo của Tổ công tác tiền phương cũng như các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ở phía Nam, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, thực phẩm cần được hỗ trợ tiêu thụ là rất lớn.
Trong đó có 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn trái cây các loại, hơn 120.000 tấn hải sản. Ngoài ra, các mặt hàng heo hơi, thịt gà đang gặp khó trong tiêu thụ. Trị giá hàng hóa ước tính lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nêu thực trạng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí sản xuất đầu vào tiếp tục tăng, tài chính của HTX, người nông dân cũng ở mức rất hạn chế. Tuy vậy, có tới 80% lượng nông sản, thực phẩm của HTX, tổ hợp tác hiện nay tiêu thụ thông qua thương lái phân phối nên bị đầu ra của nông sản bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh.
Phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, đợt giãn cách mới nhất của TP HCM từ 23/8 đến 15/9 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.