Còn 30 ngày nữa Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Theo đó buôn bán hàng xách tay có thể bị phạt 200 triệu đồng. Thế nhưng, theo khảo sát của PV Đại Đoàn Kết, dân buôn hàng xách tay vẫn “hờ hững” với lệnh mới.
Hàng xách tay loạn giá
Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ, hàng nhập lậu gồm: Hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.
Nghị định này cũng quy định, với hàng hóa nhập lậu là hàng cấm, hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng là hàng hóa nhập lậu. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kỳ vọng Nghị định 98 là công cụ để ngăn chặn hành vi buôn bán hàng xách tay tại Việt Nam hiện nay.
Còn 30 ngày nữa là nghị định này có hiệu lực. Thâm nhập vào thị trường hàng xách tay tìm hiểu mới thấy đúng là “mê hồn trận”, hàng gì cũng có từ rẻ đến đắt, nhưng mỹ phẩm, rượu, và thuốc là những mặt hàng được rao bán nhiều nlhất và công khai nhất.
Phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) từng là thủ phủ bán đồ xách tay với các shop chuyên hàng Nga, hàng Thái Lan, hàng Đức… Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng hóa đã kém sôi động rất nhiều, thế nhưng, muốn mua hàng xách tay ở đây vẫn rất dễ.
“Có chai rượu này túi sân bay nguyên mác đây. Hàng sân bay thì mới có túi xách chứ, không thì lấy đâu ra”- chủ một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay tại phố Nguyễn Sơn giới thiệu với chúng tôi.
Giờ hàng xách tay nhiều quá, làm sao phân biệt thật, giả? Chủ cửa hàng nói luôn: “Đó là hàng mỹ phẩm, quần áo thôi chứ rượu thì phải xịn. Nhà tôi bán bao năm rồi, hàng không chất lượng thì ai người ta mua”.
Với các lời quảng cáo hàng được nhờ tiếp viên xách về, số lượng có hạn thay vì nhập khẩu ồ ạt, bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài với giá bán phải chăng… nhiều cửa bán đồ hàng xách tay vẫn hoạt động náo nhiệt mặc kệ Covid-19. Tuy nhiên, thị trường hàng ngoại này ngày càng nhiều biến tướng, vượt mức kiểm soát của cơ quan quản lý, người tiêu dùng khó có thể biết đâu là giả, đâu là thật.
Nhiều phân tích chỉ ra, hàng xách tay về Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không như: Qua đội ngũ tiếp viên theo mỗi chuyến bay từ nước ngoài về, qua công ty vận chuyển chuyên nghiệp bằng đường ram không và qua tay các đầu nậu đi nước ngoài theo diện đi du lịch.
Tuy nhiên, có điều đáng bàn là, hàng xách tay trên thị trường quá nhiều, lại vô cùng giá.
Theo lời của anh N.T.A - một người chuyên “đánh” hàng thực phẩm chức năng của Australia , đến anh cũng không hiểu tại sao giá hàng xách tay ở Việt Nam lại khác biệt như thế. Ví dụ như với mặt hàng Menevit 30 viên, giá bán ở Australia là 63AUD, quy đổi tỷ giá là 1.068.559.09 VNĐ. Trong khi đó hàng này rao bán ở thị trường Việt Nam có giá 450.000 VNĐ. “Nhiều cửa hàng, nhiều cá nhân còn rao bán với giá khác nữa” - anh N.A.T nói với phóng viên.
“Việc mình mình cứ kinh doanh”
Đưa thông tin quy định về xử phạt hành vi kinh doanh hàng “xách tay” có thể bị phạt nặng theo Nghị định 98 hỏi một số chủ kinh doanh hàng ngoại phố Nguyễn Sơn chúng tôi nhận được câu trả lời, rằng họ có nghe thông tin trên báo chí, nhưng kinh doanh vẫn phải kinh doanh. Cửa hàng kinh doanh bao nhiêu năm nay thì vẫn cứ thế buôn bán.
Trong khi đó anh N.A.T. cho biết, mình mua hàng về sân bay Nội bài có khai báo, cũng mua trong số lượng được cho phép thì không sợ gì. Chỉ có dân buôn lớn, đánh hàng theo lô, trốn thuế thì mới lo.
Theo quy định hàng “xách tay” sẽ không bị xem là vi phạm nếu cá nhân đem từ nước ngoài về với mục đích sử dụng, biếu, tặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường buôn bán kiếm lời thì phải khai báo rõ và nộp thuế, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.
Ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tâm lý người Việt thích hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá cả cũng mềm do không phải chịu thuế thì các điều khoản của Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8) cũng sẽ giúp mọi người có thể được mua nhiều loại hàng hóa từ EU không thuế hoặc được giảm thuế ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.