Những ngày qua, nắng nóng tiếp tục tăng nhiệt tại nhiều tỉnh, thành khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên các trang thương mại điện tử xuất hiện rao bán thiết bị “tiết kiệm điện”. Chỉ lướt qua cũng có đến vài chục sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/chiếc, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.
Trên các trang web này, người bán đưa ra cam kết rất rõ ràng như “đảm bảo giảm 40% tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả, có thể giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng…”. Cùng với các lời quảng cáo có cánh, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” bởi các sản phẩm tiết kiệm điện với nhiều mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ và giá cả.
“Chẳng biết thực hư thế nào? Cũng chẳng biết cái nào thật cái nào giả bởi cùng một loại thiết bị nhưng các trang thương mại điện tử lại có giá rất khác nhau” - anh Mạnh Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) thốt lên như vậy khi vào một trang web tìm mua thiết bị tiết kiệm điện. Cũng theo lời anh Hà, có trang web còn đăng cả hóa đơn tiền điện trước và sau khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện với lời lẽ khá thuyết phục như: “Mới đầu tôi cũng không tin, nhưng sau khi sử dụng tôi đã rất ngạc nhiên khi đã giảm được 33% tiền điện so với tháng trước. Tôi có chụp ảnh lại hóa đơn và sản phẩm...”.
Sốt ruột với hóa đơn tiền điện tăng cao, mặc dù còn ít nhiều nghi ngại nhưng anh Hà và không ít người tiêu dùng đã mua thiết bị này về dùng với mong muốn có thể giảm chi phí tiền điện đang tăng chóng mặt trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn không đúng như quảng cáo. “Hóa đơn tiền điện vẫn đứng im như tháng trước, thậm chí còn tăng hơn chứ chẳng thấy tiết kiệm được gì”- anh Hà chia sẻ.
Cũng theo lời anh Hà, sau khi mua về anh đã thử nghiệm bằng cách cắm bình siêu tốc vào ổ điện có đấu nối với công tơ để kiểm tra lượng điện tiêu thụ; sau đó tiếp tục thử nghiệm với “thiết bị tiết kiệm điện”. Và kết quả lượng điện tiêu thụ không hề thay đổi.
Về vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cảnh báo những sản phẩm trên có thể đều là chiêu lừa dành cho người tiêu dùng. Trên trang web chính thức của EVN có nêu rất rõ:
“Thực tế, các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box, sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm, thiết bị khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ, dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy, có thể hiểu, thiết bị tiết kiệm điện này thực chất chỉ là một cách “quảng cáo ảo” của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm và đánh lừa khách hàng”.
Còn theo ông Dương Đức Lập - Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực Bắc Ninh thì: “Người dân không nên tin một chiều vào các thông tin quảng cáo mà phải biết cách kiểm tra, đối chiếu thông tin bằng cách liên hệ với các đơn vị nghiên cứu hay bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty điện lực để tránh mất tiền oan”.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi nguồn cung ứng điện hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước kêu gọi doanh nghiệp, người dân tăng cường tiết kiệm điện. Lợi dụng điều này, một số trang thương mại điện tử xuất hiện nhiều thông tin rao bán tràn lan các thiết bị tiết kiệm điện chưa qua thẩm định, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.