Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn buôn người sang Campuchia. Vậy nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, nghe theo những lời hứa có cánh để rồi "sập bẫy" của những tổ chức buôn người, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí nguy hiểm đến cả đến tính mạng…
Giăng bẫy trên không gian mạng
Nhiều đối tượng đang hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội, tạo lập các hội nhóm để dụ dỗ, trao đổi nhằm mục đích lừa bán người lao động sang Campuchia làm việc tại các sòng bài, đánh bạc trực tuyến...
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều các hội nhóm có số lượng thành viên rất đông, thường xuyên đăng tải thông tin tuyển người đi nước ngoài nói chung và đi Campuchia lao động nói riêng. Chỉ cần gõ cụm từ 'việc làm Campuchia' trên Facebook sẽ cho ra kết quả hàng chục hội nhóm. Các hội nhóm này có từ vài chục tới hàng trăm ngàn thành viên, hoạt động sôi nổi với hàng trăm bài viết được cập nhật mỗi ngày như: nhóm “Hội người Việt tại Campuchia” với hơn 45 ngàn thành viên, nhóm “Việc làm Campuchia” với 56 ngàn thành viên, nhóm “Hội người Việt Nam tại Campuchia” hơn 61 ngàn thành viên...
Nếu không tìm hiểu, mọi người đều nghĩ đây là các hội nhóm lập ra nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, gặp gỡ, giao lưu của cộng đồng người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại Campuchia. Tuy nhiên thực tế, các hội nhóm này lại chính là nơi diễn ra hoạt động môi giới, cò mồi, dẫn dắt và đưa người lao động Việt Nam sang nước bạn, bị bán vào làm phục vụ tại các sòng bài, Casino, Game Online... bị hành hạ và ngược đãi. Các nạn nhân một khi đã sập bẫy thì muốn về không được, muốn ở cũng chẳng xong.
Sau nhiều ngày ghi nhận, PV phát hiện có nhiều tài khoản ảo thường xuyên đăng bài trong các hội nhóm này. Trong vai người đang cần việc làm, PV đã đăng tải bài viết có nội dung cần tìm việc làm tại Campuchia. Chỉ khoảng 30 phút sau, PV đã nhận được hàng trăm lượt like và bình luận, hàng chục tin nhắn giới thiệu về công việc cực kỳ hấp dẫn với mức lương mơ ước của nhiều người Việt.
Sau khi kết bạn và trao đổi trực tiếp với tài khoản L.N., tự nhận là Công ty TNHH J.D.S nhận cung ứng lao động tại Campuchia. PV không khỏi bất ngờ về cách tư vấn rất chuyên nghiệp, có cả tên công ty, địa chỉ tại TP HCM, số hotline... của đơn vị này.
"Bên mình cần tuyển các vị trí như sau ở khu vực Mộc Bài. Human Resources (HR): Lương cơ bản 1200-1600$. CSKH: Lương cơ bản 950-1800$. XNK: Lương cơ bản 950-1500$. Sale: 1000$ không nghỉ ngày nào + 200$. Không có kinh nghiệm vẫn được đào tạo chỉ dạy tận tình. Công ty bao ăn uống 4 cữ, đi lại thoải mãi mỗi tháng phát 100$ tiền ăn vặt, KTX sạch sẽ. Hỗ trợ đền bù nhảy việc 2000$ quay đầu", nhân viên nhiệt tình giới thiệu.
Sau màn chào hỏi, giới thiệu về công ty, khi được PV hỏi về yêu cầu nhân sự người này cho biết chỉ cần người lao động đánh máy tính được 35-40 từ/phút. Thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng. Ở phòng ký túc xá 4 người/phòng tiện nghi gồm điều hòa, máy giặt, bình nóng lạnh... Mọi chi phí ăn ở công ty sẽ chi trả. Khi được PV hỏi đi như thế nào thì nhân viên tư vấn: “Chỉ cần đi vào tới cửa khẩu Mộc Bài sẽ có người đưa đón sang tận công ty bên Campuchia”.
Chiêu dụ con mồi sập bẫy
Tương tự, PV nhận được tin nhắn từ tài khoản HR Kyby tự nhận là nhân viên của tập đoàn Game Online uy tín Kubet. Có vẻ cẩn thận hơn, tài khoản này yêu cầu người đi phải có hộ chiếu, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đã tiêm vaccine 2 mũi và chỉ nhận người đi chính ngạch, công ty phỏng vấn và đưa đón người đi từ TP HCM.
Theo đó, yêu cầu cho công việc này rất đơn giản: chỉ cần đánh máy 30 từ/phút, không yêu cầu bằng cấp. Còn mức lương thì được hứa hẹn vô cùng hấp dẫn với lương thử việc là 21,3 triệu đồng/tháng + tiền ăn + hoa hồng, mức lương chính thức sẽ lên đến 27 triệu đồng/tháng, với 8h làm việc/ngày, tháng được nghỉ 4 ngày.
Bên cạnh đó, việc đi lại của người làm được tự do nhưng không có hợp đồng ràng buộc.
Các bài đăng này nhan nhản mỗi ngày trên các hội nhóm thu hút rất nhiều lượt tương tác. Tuy nhiên, các đối tượng đăng bài thì khéo léo không tương tác trực tiếp trên bài đăng mà chỉ trao đổi kín trên Messenger, Zalo hoặc Telegram. Với chiêu thức này, đã có rất nhiều nạn nhân sập bẫy, nhất là các thanh thiếu niên sống tại các vùng quê chưa từng trải, thiếu hiểu biết rất dễ trở thành 'món hàng cho bọn buôn người.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều đường dây mua bán người, môi giới việc làm qua Campuchia bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Những năm gần đây cơ quan công an các tỉnh cũng đã triệt phá nhiều đường dây đưa người lao động bán qua biên giới, bắt giữ và truy tố nhiều đối tượng liên quan, giải cứu thành công nhiều nạn nhân của đường dây này.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động môi giới, cò mồi, đưa người trái phép sang Campuchia vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng cần thiết nhất vẫn là tuyên truyền, cảnh giác, giáo dục cho thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên ở các vùng quê cảnh giác trước những lời chào mời 'có cánh' từ các hội nhóm đưa lao động sang nước ngoài làm việc nói chung và Campuchia nói riêng. Yêu cầu tuyển dụng càng đơn giản thì nguy cơ rình rập lại càng cao.