Mắc kẹt giữa đô thị

Nguyễn Chung 24/06/2023 07:05

Gần 20 năm qua, hơn 80 hộ dân sinh sống tại khu phố Quang Trung, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa bị mắc kẹt lại giữa khu đô thị Bình Minh do nằm trong đất đã quy hoạch. Tình trạng thiếu nước sạch, không thể sửa sang, xây mới nhà cửa, ngập úng... đang gây nhiều khó khăn cho người dân.

Không thể sửa sang, xây mới khiến nhà của nhiều hộ dân tại khu phố Quang Trung xuống cấp trầm trọng.

Bị bỏ quên

Năm 2004, khi tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi (phường Đông hương, TP Thanh Hóa). Để thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của dự án đã phải di dời đến khu tái định cư (TĐC) mới, nhường đất cho dự án.

Tuy nhiên, do một số vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, sắp xếp phần đất tái định cư nên các hộ dân và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung, khiến hơn 80 hộ dân chưa di dời. Cũng kể từ đó đến nay, những hộ dân nói trên vẫn hàng ngày phải sống trong những căn nhà chật hẹp, xuống cấp mà không được sửa chữa hay xây mới. Cộng với đó là thiếu điện, thiếu nước sạch, rác thải không được thu gom xử lý.

Ông lê Văn Tuấn - một người dân đang sinh sống tại khu phố Quang Trung, phường Đông Hương cho biết: Khu vực này trước đây gần như hoàn toàn là đất nông nghiệp, chỉ có một khóm hộ dân rủ nhau ra đây lập sinh kế. Khi dự án được phê duyệt, do chủ đầu tư không thỏa thuận được với người dân nên đã để khu vực này lại và tiến hành thực hiện dự án trên phần đất ruộng và phần đất đã giải phóng mặt bằng để phân lô, bán nền. “Đã gần 20 năm rồi, chúng tôi bị bỏ quên mà không biết tương lai ra sao?” - ông Tuấn nói.

Cùng chung tâm trạng, bà Lê Thị Hương - hàng xóm của ông Tuấn cho biết: Từ khi họ san gạt đất ruộng làm dự án, các cống, rãnh thoát nước đều bị vùi lấp, cả khu vực này trở thành vùng trũng. Vì vậy, cứ mỗi khi mùa mưa tới thì nhà tôi lại bị ngập, có gia đình nước ngập lên tới bếp. Mỗi lúc như vậy bà con lại chia nhau tự dùng cuốc, xẻng để khơi thông dòng chảy, thoát nước.

Cũng vì nằm trong diện quy hoạch nên người dân không thể sửa sang, tách hộ cho con cái. Nhiều hộ gia đình ở đây đã phải sinh sống trong những căn nhà chật chội, xuống cấp…

Được biết, hộ gia đình bà Lê Thị Hương, có 4 người con, gồm một gái và 3 trai. Hiện sống trong ngôi nhà cấp 4 chưa tới 100m2. "Năm 2004, người ta tới kiểm kê, di dời nhưng giá đền bù không thỏa đáng, dân không đồng ý di dời. Đến năm 2019, cán bộ dự án mới tiếp tục tới kiểm kê lần nữa rồi im bặt tới nay. Hiện tại, tôi cùng nhiều người dân ở đây mong muốn làm sao có cách giải quyết phù hợp, nhanh chóng để bà con di chuyển tới nơi ở mới, khang trang đầy đủ tiện nghi hơn sau khi di dời. Còn nếu Nhà nước không lấy đất nữa thì cũng nên đưa chúng tôi ra khỏi diện quy hoạch để người dân có điều kiện xây, sửa lại nhà cửa" - bà Hương bày tỏ.

Chờ giải pháp

Thực tế thì khu phố Quang Trung, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa đã được hình thành từ nhiều năm trước nên hệ thống thoát nước, cống rãnh đã xuống cấp khó tiêu thoát nước mỗi khi mùa mưa bão đến. Hàng ngày, nước thải sinh hoạt chảy ra không có chỗ thoát, đọng lại gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khu dân cư có nhiều ngõ ngách rất nhỏ, đường đất nên gây bụi bặm, bùn đất mỗi khi mưa, nắng cũng như gây khó khăn cho người dân khi di chuyển. Đáng chú ý, tại đây có nhiều ngôi nhà đã xây dựng cách đây hơn 20 năm đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập khi mùa mưa bão đến, uy hiếp tính mạng của nhiều người dân sinh sống bên trong nếu không có giải pháp kịp thời.

Ông Lê Văn Lục - Chủ tịch UBND phường Đông Hương cho biết, các hộ dân tại khu phố Quang Trung đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như không thể sửa sang, xây mới nhà cửa, thiếu nước sạch, ngập úng… chính quyền địa phương cũng đã nắm được. Tuy nhiên do diện tích đất của các hộ trên đã có quyết định thu hồi để xây dựng khu đô thị mới Bình Minh nên không được phép xây dựng, nâng cấp nhà cửa.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên và chủ đầu tư dự án. Đến nay, phía chủ dự án cũng đã tiến hành họp dân, kiểm kê tài sản của từng hộ để từ đó đưa ra phương án áp giá đền bù nhưng đa phần các hộ dân chưa đồng thuận. Nguyên nhân cơ bản ở đây vẫn là không thống nhất được giá cả đền bù giữa người dân và chủ đầu tư. Để người dân đồng ý di dời, theo tôi vẫn cần phải có giải pháp căn cơ và thiện chí từ cả nhà đầu tư và người dân trong áp mức giá đền bù đất”- ông Lục nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mắc kẹt giữa đô thị