Đình làng Việt là nơi trang trọng, thiêng liêng, là biểu tượng quyền lực của ngôi làng. Đình chính là nơi để mọi người tụ họp, hội bàn những công việc lớn nhỏ trong làng. Không ai rõ từ bao giờ đình làng đã trở thành một nơi để che chở, là nét đẹp văn hóa trong tâm hồn của người Việt.
Đình làng là công trình trong tổng thể kiến trúc làng Việt Nam. Vùng đồng bằng Bắc bộ hiện vẫn là nơi tập trung nhiều ngôi đình cổ của cả nước. Những ngôi đình còn bảo tồn đến ngày nay có thể kể tên như: Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) dựng năm 1531, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) dựng (1566 - 1577), đình Là (Thường Tín, Hà Nội) dựng (1581) hay đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) được xây dựng vào thế kỉ 16. Đình So là đình của làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1673. Đình làng Đình Bảng ở thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) được xây dựng từ năm 1700 (thời Hậu Lê), đến năm 1736 mới hoàn thành…
Những ngôi đình đẹp và quy mô lớn thường được xây dựng vào những giai đoạn lịch sử khi kinh tế - xã hội phát triển và đình càng bề thế, kiến trúc càng đẹp, càng khẳng định vị thế của làng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Ngọc cho biết: Những ngôi đình lớn ở các làng nổi tiếng thường đặt ở vị trí trung tâm của làng, trong khuôn viên rộng rãi đàng hoàng. Các con đường thường né tránh nó để làm tôn vinh ví trí mà ngôi đình tọa lạc. Ở những làng có đình bề thế, thì trong kiến trúc đình thường có hàng cột lớn, các gian trong đình cũng rộng rãi hơn.
Trước đây đình thường chỉ có 3 gian và 2 chái. Gian giữa không có sạp, trong gian thờ Thành Hoàng. Cuối thế kỷ 17 từ gian giữa và kéo dài về sau gọi là chuôi vồ, tạo cho đình làng mang kiểu chữ Đinh. Cuối thế kỷ 17, đình làng được bổ sung tòa tiền tế.
Gắn liền với khu ở của dân làng, thuận đường nối với các ngõ, thôn, tuân theo nguyên tắc địa lý phong thủy, phía trước thoáng đãng nhìn ra sông nước, có hồ nước tự nhiên hoặc nhân tạo theo nguyên tắc “Tụ thủy”. Đình làng có thể là một công trình độc lập, cũng có thể là một quần thể kiến trúc, cũng có khi kết hợp với đền thờ Phật, chùa, miếu tạo thành một quần thể lớn …
Phát triển qua nhiều thời kỳ, thời sơ khai ban đầu chỉ có đại đình hình chữ nhật và hồ bán nguyệt, sau đó phát triển quy mô hơn, có nhiều thành phần hơn. Những đình lớn quy mô đầy đủ gồm: Đại đình, hậu cung, tiền tế, tả vu hữu vu, ngoài ra có thể thêm các nhà phụ trợ. Bên cạnh đó còn có cổng và phía trước đình làng thường có sân rộng, hồ nước, cây xanh để có thể tập hợp đông người những ngày lễ hội…
Có thể thấy, đình So ở huyện Quốc Oai là ngôi đình cổ kính bậc nhất Việt Nam còn giữ lại. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngày xưa và là nơi cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa và những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội. Trải qua 4 lần tu sửa và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đình So ngày nay vừa có cảnh sắc hài hòa với thiên nhiên, vừa mang đầy đủ dáng dấp của đình cổ Việt. Những mảng rêu phong, những vệt đen của thời gian sót lại trên từng bức tường, từng mảng ngói. Đình So hoành tráng và uy nghi, vẫn ở đó, như một cách để khẳng định vẻ đẹp truyền thống của người Việt Nam vẫn được lưu giữ từ bao đời nay.
Hay trong các công trình kiến trúc gỗ cổ tại Việt Nam, đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh) là công trình có các đầu đao vươn xa nhất. Bên cạnh đó, đình mang kiến trúc nhà sàn. Do mang vẻ đẹp bề thế và có kiến trúc đặc trưng của không gian văn hóa Việt, đình Đình Bảng được liệt kê là một trong những ngôi đình đáng nhớ nhất trong ca dao: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng thứ ba đình Diềm”. Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước có năm gian, hai chái, giờ chỉ còn ba gian, hai chái. Chỉ có đình Bảng được giữ tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Bên cạnh kiến trúc tổng thể không gian đình làng thì những bức tượng thờ, hoành phi câu đối, các bức chạm khắc, cửa võng trang trí trong nhiều ngôi đình như kể lại câu chuyện của làng. Điểm nổi bật trong trang trí trong gian giữa ngôi đình là bức chạm cửa võng với những nét chạm tinh xảo hình rồng, vân mây, hoa bốn cánh... Trong đình còn nhiều hình khối chạm khắc nghệ thuật khác thể hiện các đề tài gần gũi với cuộc sống như các bức chạm: Bát tiên, các cô thôn nữ, ông già ngồi đánh cờ, chèo thuyền, mẹ gánh con... Cảnh sinh hoạt này thể hiện ước vọng của người dân muốn có cuộc sống thanh bình. Nội dung các bức chạm cũng cho thấy tâm hồn bay bổng của những nghệ nhân làng.
Theo nhà nghiên cứu về kiến trúc làng - họa sĩ Đinh Tiến Hải, những bức chạm này toát lên vẻ hồn nhiên đầy sức sống. Điều này chứng tỏ những nghệ nhân xưa không bị bó buộc hay câu nệ khi khéo léo đưa cả cảnh sinh hoạt đời thường vào các bức chạm trang trí ở đình.
Trải qua sự biến thiên và thăng trầm của lịch sử, đình làng vẫn luôn là ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi gìn giữ, trao truyền những nét văn hóa phi vật thể của dân tộc như hội làng, phong tục, tập quán của quê hương, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hay thậm chí là những trò chơi dân gian trong mỗi kỳ lễ hội. Bởi vậy dù cuộc sống có thay đổi thì mái đình cổ kính vẫn luôn là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã Việt Nam.