Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của các văn nhân, nghệ sĩ. Hà Nội cũng là thành phố có nhiều bài hát lay động trái tim. Từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam cho đến nay, các thế hệ nhạc sĩ đã có rất nhiều bài hát hay về Hà Nội và điều đó cứ nối dài thêm mãi...
Năm 1949, ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ núi rừng chiến khu, nhạc sĩ Văn Cao đã mơ tới ngày về giải phóng Thủ đô. Trong bài hát “Tiến về Hà Nội”, ông viết: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về.../ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh...”.
Nếu như Văn Cao mơ và tin vào ngày về chiến thắng ngay trong những ngày gian nan của cuộc kháng chiến, thì Nguyễn Đình Thi lại phác họa Hà Nội ở một tâm thế khác cũng tràn ngập niềm tin. Cũng như “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi đã được các thế hệ người Việt Nam, các thế hệ người Hà Nội hát mãi với niềm tự hào vô hạn.
Năm 1947, khi đó tại thủ đô Hà Nội đang diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân dân Hà Nội với thực dân Pháp chiếm đóng, Nguyễn Đình Thi đã sáng tác bài “Người Hà Nội”, với ca từ xao xuyến lòng người: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!”.
Đó là 2 ca khúc tuyệt mỹ ra đời trong kháng chiến chống Pháp. Ở cuộc chiến chống Mỹ, Hà Nội càng có nhiều ca khúc hay, không ai có thể quên được “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân và “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nghe những bài hát ấy mỗi người đều cảm thấy tự hào. Và “Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội” với một tình yêu vô bờ bến.
Tiếp nối những ca khúc ra đời trong khói lửa chiến tranh, có một dòng ca khúc được coi là “gạch nối” với thời bình. Sau năm 1975, nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời các ca khúc trữ tình, đậm chất của người Hà Nội.
Trong số các nhạc sĩ ấy, những cái tên như Phú Quang, Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương... những người cùng một thế hệ đã đi qua và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ đã cất lên tiếng nói của thế hệ mình tràn ngập tình yêu với Thủ đô.
Nhạc sĩ Phú Quang được cho là “người hát tình ca” về Hà Nội. Ông đã “rời cõi tạm” nhưng những ca khúc của ông vẫn mãi trẻ trung, nồng thắm về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Đó là những tác phẩm mà hầu như ai cũng muốn hát lên. “Em ơi, Hà Nội phố”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”, “Nỗi nhớ mùa đông”… là những bản tình ca lãng mạn mãi ở lại trong lòng người.
“Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa...”. Những câu mở đầu ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang (lời thơ Phan Vũ) đã lập tức gieo nỗi nhớ, đánh động ký ức. Giai điệu ngập tràn cảm xúc đưa chúng ta tới với một Hà Nội trong những con phố vắng, một chiều Hồ Tây với hoàng hôn tím, một tiếng dương cầm vọng ra từ khung cửa sổ, một tiếng chuông nhà thờ... Có cái gì đó rất Hà Nội.
Phú Quang còn được cho là người viết về hoa sữa Hà Nội. Trong màn đêm hương hoa làm tan chảy trái tim khi mà “Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ/ Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương...”.
Nếu như Phú Quang rất mực trữ tình thì Trần Tiến lại đánh thức trái tim bằng một ngôn ngữ âm nhạc rất riêng, rất đặc biệt. Nhiều người đã gọi ông là “nhạc sĩ của phố Hà Nội”, với những bài ngẫu hứng phố và cả những bài trĩu nặng ưu tư bên sông Hồng, hay là một cầu thang cũ, một tiếng còi tàu như gọi mời những chuyến đi xa để tìm về với Hà Nội.
Trong “Ngẫu hứng phố”, Trần Tiến viết: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi/ Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi...”.
Trong những ca khúc hay của Trần Tiến viết về Hà Nội, nhiều người cho rằng “Ngẫu hứng sông Hồng” là một sáng tác rất đặc biệt, nhất là với hình ảnh: “Lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa/ Một ngày mùa thu đưa cha qua sông/ Một ngày dòng sông đầy sóng và gió...”.
Với nhạc sĩ Dương Thụ - một người kín tiếng, hết sức đặc biệt là trong các ca khúc kỹ càng của ông, Hà Nội nhiều khi không định danh mà bảng lảng, mà khí chất. Không một từ nhắc đến Hà Nội nhưng ai cũng biết đó là ca khúc về Hà Nội. Đó cũng chính là một biệt tài. Ví dụ như bài “Tháng tư về”, hay là “Đánh thức tầm xuân” có một điều gì đó rất riêng của Hà Nội.
Tuy nhiên, với “Mong về Hà Nội”, Dương Thụ lại “kể” rất tình: “Những con đường rất xanh của Hà Nội/ Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói/ Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi...”.
Sinh thời, nhạc sĩ Phó Đức Phương được coi là một đỉnh cao trong dòng ca khúc trữ tình quê hương. Tuy nhiên, với bài “Một thoáng Tây Hồ” của ông, Hà Nội hiện lên thật huyền diệu: “Mênh mông hồ sương thu tan trong gió/ Bát ngát trăng buông một khoảng trời/ Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy/ Đây Dâm Đàm, đây Lãng Bạc/ Ngàn Thu qua bao lần sóng gió...”.
Không thể nói hết về những nhạc sĩ và những sáng tác của họ gửi gắm một tình yêu Hà Nội. Nhưng, trong những ngày này, khi những giai điệu đó vang lên, ta lại thấy một Hà Nội lộng lẫy, kiêu sa, Thủ đô của đất nước Việt Nam qua thăng trầm bão giông đang vững vàng tiến về phía trước.
Tiếp nối thế hệ các nhạc sĩ đi trước, ngày nay cũng đã có một thế hệ nhạc sĩ trẻ viết về Hà Nội, một Hà Nội của hôm nay. Họ đã phác họa chân dung người Hà Nội hào hoa, thanh lịch nhịp bước cùng thời đại. Trong số họ có Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng, Đinh Mạnh Ninh... Chính họ là những nhạc sĩ đang nối tiếp mạch cảm xúc bất tận về Hà Nội, với cái nhìn mới, cách thể hiện mà bất cứ người nghe nào hôm nay cũng có thể thấy mình trong đó.