Chính phủ Malaysia mới đây cho biết họ sẽ cân nhắc mở lại chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, nếu như các doanh nghiệp tư nhân có quan tâm tới chiến dịch này đưa ra được đề xuất hoặc bằng chứng hợp lý.
Mảnh vỡ từ cánh MH370 được trưng bày công khai tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: AFP).
Kêu gọi giới doanh nghiệp
Số phận của chuyến bay MH370, mang theo 239 người trên khoang, đã trở thành bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không nhân loại, khi nó biến mất trong lịch trình bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8/3/2014. Malaysia, Trung Quốc và Australia đã tổ chức chiến dịch tìm kiếm kéo dài 2 năm, tiêu tốn 141,6 triệu USD, dưới đáy biển phía Nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên chiến dịch đã phải ngừng lại vào tháng 1/2017 do không tìm được dấu vết nào của MH370.
Sau đó, một công ty thăm dò đáy biển của Mỹ có tên Ocean Infinity đã đề xuất mở chiến dịch tìm kiếm mới, kéo dài trong vòng 3 tháng. Nhưng sau đó chiến dịch này cũng thất bại và bị dừng vào hồi tháng 5 năm ngoái.
Chính quyền Malaysia từng tuyên bố sẽ trao thưởng cho các công ty đang tìm kiếm MH370 với hình thức “không tìm được, không chi trả”. Điều này có nghĩa rằng, khoản tiền thưởng sẽ chỉ được trao cho doanh nghiệp tư nhân nếu như họ định vị được vị trí của chiếc máy bay nọ.
Chính phủ Malaysia từng đề nghị trả khoản tiền 700 triệu USD cho Ocean Infinity nếu như họ thành công trong chiến dịch tìm kiếm.
“Nếu có bất kỳ bằng chứng đáng tin nào, hoặc các đề xuất cụ thể…chúng tôi sẵn sàng xem xét cẩn thận và thảo luận với họ về đề xuất mới đó”- Anthony Loke, Bộ trưởng Giao thông Malaysia phát biểu tại sự kiện đánh dấu 5 năm vụ mất tích MH370 tổ chức tại Kuala Lumpur.
Công ty Ocean Infinity hiện nay đang lên kế hoạch cho một chiến dịch tìm kiếm mới, chỉ ra rằng các công nghệ mới được phát triển trong năm qua sẽ giúp họ thành công, tuy nhiên chưa đưa ra đề xuất cụ thể với chính quyền Malaysia.
“Nếu họ thuyết phục được chúng tôi rằng công nghệ mới sẽ hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm, chúng tôi sẵn sàng khởi động lại chiến dịch tìm kiếm”- ông Loke cho biết thêm.
Mảnh vỡ được trưng bày
Tính đến thời điểm này đã có hơn 30 mảnh vỡ được tin là thuộc về MH370 đã được tìm thấy. Phần lớn trong số này bị sóng đánh dạt vào bờ biển một số nước nằm bên bờ Ấn Độ Dương, nhưng chỉ có 3 mảnh được xác nhận chính thức là của MH370.
2 trong số các mảnh vỡ trên đã được trưng bày trong sự kiện đánh dấu 5 năm MH370 mất tích. Các mảnh vỡ trên hiện đang thuộc quyền quản lý của Chính phủ Malaysia, trong đó có một phần của cánh máy bay được tìm thấy ở Tanzania, có chiều dài 4,27 m- đây là mảnh vỡ được tìm thấy gần đây nhất.
Trong sự kiện kỷ niệm ngày mất tích MH370 mới đây, gia đình những nạn nhân có mặt trên chuyến bay xấu số bày tỏ hy vọng rằng, việc trưng bày mảnh vỡ này sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự mất mát của họ, từ đó thúc đẩy các nỗ lực kêu gọi Chính phủ tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay này.
“Do mảnh vỡ mới tìm thấy - chỉ là phần nhỏ của cánh máy bay - có kích thước rất lớn, nên nó sẽ cho người ta hiểu được rằng chiếc máy bay nọ lớn đến cỡ nào”- Grace Nathan, nữ luật sư có người mẹ bị mất tích cùng chuyến bay MH370, cho hay - “Tôi không tin rằng mảnh vỡ này lại có thể trôi nổi hàng nghìn km trên biển, tói tận châu Phi trong vòng 2 năm. Tôi chỉ muốn biết mẹ mình đang ở đâu”.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả điều tra vụ mất tích MH370, Chính phủ Malaysia thừa nhận vẫn chưa thể xác định nguyên nhân vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay mặc dù không loại trừ một số giả thuyết.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 phút” của Australia, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói: “Một trong những giả thuyết tôi nghe được từ đâu đó là chiếc máy bay có thể đã bị không tặc khống chế. Tuy nhiên, một máy bay với kích thước như vậy nếu lao xuống biển hay xuống mặt đất cũng phải để lại dấu vết.
Ông Mahathir cũng bác bỏ đồn đoán cho rằng, vụ mất tích MH370 có trách nhiệm của cơ trưởng máy bay.