Ngày 6/9, Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết chính thức được phát động với sự đồng hành của những nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện đem tới cho người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân nghèo phải điều trị trong bệnh viện sự san sẻ yêu thương.
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết là thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, về việc chăm lo cho người yếu thế gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Hoạt động này của Báo Đại Đoàn Kết cũng chính là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19.
Dự kiến ban đầu của Chương trình là trao 10.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo, người vô gia cư… trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhưng tới nay, Chương trình đã thực sự lan tỏa, nhận được nhiều ủng hộ của các tập thể, cá nhân giàu lòng nhân ái, với số hàng, tiền ủng hộ trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Như vậy, kết quả Chương trình đã vượt xa dự tính ban đầu, thực sự là niềm vui lớn của những người làm tờ báo Mặt trận khi có thêm điều kiện để giúp đỡ được nhiều người hơn, chung sức cùng nhau vượt qua đại dịch. Chương trình cũng không dừng lại ở một địa phương mà đã mở rộng ra một số tỉnh, thành trong cả nước.
Trong những ngày đầu tháng 10, Báo Đại Đoàn Kết lại tiếp tục làm cầu nối chuyển những phần quà đến tay những người khó khăn do đại dịch. Mới đây, nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K (Cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cũng đã nhận được những phần quà ân tình ấy. Trong những ngõ ngách ở tổ 14, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), nơi sinh sống tạm bợ, đầy nhọc nhằn của những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo trong những phòng trọ chật hẹp, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo đã tới tận nơi với những phần quà nặng nghĩa nặng tình.
Nếu như với những con người khốn khó ấy, số phận không mỉm cười với họ thì những tấm lòng sẻ chia mang đến cho họ một nụ cười, khiến những vết hằn buồn tủi trên trán họ được một chút giãn ra. Nghĩa cử ấy tiếp sức cho họ trong cuộc chiến gian nan chống lại sự giày vò của bệnh tật, sự túng quẫn của đói nghèo.
Xung quanh chúng ta vẫn còn đó nhiều người nghèo khổ. Họ càng khổ hơn khi dịch Covid-19 kéo dài, không thể làm việc để kiếm tiền, cho dù đó là những đồng tiền nhỏ bé chỉ đủ giúp đi qua cơn đói. Nhiều người quê xa, phải mang người thân lên Hà Nội chữa trị những căn bệnh trọng, của cải trong nhà đã đội nón ra đi. Nhiều người phải bán vườn bán ruộng, bán nhà, chạy vạy vay mượn khắp nơi để giữ lại cuộc đời cho người thân. Trong số họ đã có người sức cùng lực kiệt...
Thấu hiểu và thực tâm muốn được cùng san sẻ vất vả và những nỗi ưu lo, đó là đạo lý của người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Trong thiên tai địch họa, trong bệnh tật giày vò, càng thiêng liêng hơn hai tiếng “đồng bào”.
Dịch Covid-19 cho dù hung hãn đến đâu thì rồi cũng đang dần được kiểm soát, khống chế. Cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại. Nhưng gian khó với nhiều người vẫn còn đó. Thời gian chịu đựng kéo dài đối với những người vốn đã khó khăn thì lại càng khó khăn hơn. Họ vẫn cần được hỗ trợ, giúp đỡ để có sức khỏe và nghị lực vượt thoát khỏi hoàn cảnh. Chính vì thế việc việc thiện sẽ không chỉ dừng lại khi dịch Covid-19 chấm dứt, mà đó là hành động lâu dài. Sự san sẻ yêu thương, sự gắn kết tình người có điểm khởi đầu nhưng không bao giờ có điểm dừng. Lòng tốt thì không có điểm dừng.
Với ý nghĩa nhân văn cao cả đó, Chương trình “Cơm cho người nghèo...” của Báo Đại Đoàn Kết vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Hành trình mang yêu thương đến với yêu thương.