Trong thông báo phát đi chiều ngày 22/3 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều vụ việc nổi cộm thời gian qua đã được “gọi tên”. Điều đó một lần nữa cho thấy không ai, không vụ việc tiêu cực nào có thể “chìm xuồng”.
Đó cũng chính là quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong suốt mấy nhiệm kỳ qua. Quan điểm này đang được tiếp nối ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ khóa XIII.
Tuần trước, trong phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), nhằm thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án: Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP HCM, Bộ Công thương và một số đơn vị có liên quan; vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án “buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cũng trong ngày Ban Chỉ đạo họp thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bắt đầu nhóm họp kỳ thứ hai và qua 3 ngày họp, kết luận của Ủy ban cho thấy sự đồng vọng rõ ràng nếu không nói là ngay lập tức với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Vụ án tại Sabeco và sai phạm của những người liên quan đã được chỉ rõ.
Cùng trong cuộc họp ấy, việc đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Tất Thành Cang, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Hay với ông Lê Văn Phước, do trong thời gian giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính của đơn vị, đã được nêu rõ.
Đây là những người từng giữ chức vụ quan trọng, sai phạm trong thời gian đương chức vụ. Nhưng, điểm đáng chú ý hơn là, cũng trong kỳ họp thứ hai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét Báo cáo kết quả kiểm tra về công tác cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua.
Trong thông báo phát đi chiều 22/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Trong quá trình kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm và chủ động khắc phục các khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Ủy ban Kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Câu chuyện vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là câu chuyện mới với một Ban Thường vụ đương nhiệm liên quan đến việc bổ nhiệm một Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - câu chuyện vốn lùm xùm trên truyền thông khoảng hơn một tháng nay. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhanh chóng vào cuộc. Đây chính là tinh thần chống tiêu cực mạnh mẽ, không có vùng cấm được tiếp nối từ khóa XI, XII. Chính nhờ thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã sớm nghiêm túc nhận trách nhiệm và chủ động khắc phục khuyết điểm.
Tinh thần ấy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của các cơ quan tư pháp dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chính là sự cổ vũ lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đã kiên trì, kiên quyết thực hiện nhiều năm qua; nhất là kể từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.
Cũng tại cuộc họp kể trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục được thúc đẩy và đã đạt được kết quả rất cụ thể.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo hôm 18/3, nói về công việc thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Ban Chỉ đạo đã nói rất nhiều lần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; càng khó càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa”. Câu nói ấy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho thấy ý chí mạnh mẽ, bền bỉ của Đảng ta, Nhà nước ta trong đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Và, cũng chỉ có đấu tranh mạnh mẽ như thế, ta mới giảm thiểu tiến tới loại bỏ được tham nhũng, tiêu cực trong đời sống xã hội, đem đến niềm tin nơi nhân dân vào Đảng, vào bộ máy chính quyền các cấp.