Trong chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đồng Tháp, An Giang mới đây, nhiều vấn đề được đặt ra không chỉ với hai tỉnh mà còn là cả với đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có vấn đề thời sự phạm vi cả nước. Đó là nhất thể hóa một số chức danh, nhằm tăng cường sức mạnh của bộ máy.
Trung tâm hành chính công huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông
Làm việc với Đồng Tháp, An Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe lãnh đạo địa phương báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, cũng như những kiến nghị để các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn thách thức. Tổng Bí thư cho rằng, những khó khăn, lực cản mà Đồng Tháp, An Giang đang đối mặt không chỉ của hai tỉnh này, mà còn là vấn đề của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nổi bật là tác động xấu từ biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có việc sạt lở nhiều nơi, xâm nhập mặn, kết nối giao thông, tích tụ ruộng đất, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là nông dân gặp khó khăn.
Chia sẻ với địa phương, Tổng Bí thư mong muốn lãnh đạo và nhân dân đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đưa quê hương ngày càng phát triển hơn nữa. Đặc biệt, cần không ngừng cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là khi mức thu nhập hiện nay tại khu vực vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước.
Trong chuyến thăm và làm việc, Tổng Bí thư rất quan tâm tới những mô hình làm ăn mới, hiệu quả của Đồng Tháp và An Giang; cũng như công tác tổ chức cán bộ, nhất thể hóa một số chức danh, tinh gọn bộ máy; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác điều hành của chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về phẩm chất, uy tín của cán bộ, đảng viên…
Tại Đồng Tháp, Tổng Bí thư đã đến thăm xã Tân Thuận Tây thuộc thành phố Cao Lãnh, được công nhận là một trong 3 xã của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, xã thành lập được 2 hội quán kết hợp thực hiện mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới. Tổng Bí thư cho rằng, danh hiệu nông thôn mới của Tân Thuận Tây không chỉ được ghi trong giấy chứng nhận, mà còn được cảm nhận qua cảnh quan bên ngoài. Đó là đường xá sạch đẹp, cây cối xanh tốt, cơ sở hạ tầng khang trang và không khí hồ hởi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân. Tổng Bí thư đã đến thăm và nói chuyện với các thành viên trong Tâm Quê Hội quán. Tổng Bí thư hoan nghênh sáng kiến mô hình “hội quán”, cho rằng đây là hình thức tập hợp bà con nông dân để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có tính chất chuyên đề. Đây cũng là nơi hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, là nơi trao đổi tâm tình, góp ý kiến, đoàn kết bà con để làm ăn, xây dựng quê hương.
Tổng Bí thư mong muốn địa phương tiếp tục triển khai mô hình này, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm. Và khi đã chắc chắn thì nhân rộng để trở thành phong trào chung. “Cái gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân thì chúng ta hoan nghênh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”-Tổng Bí thư nhấn mạnh. Cùng về vấn đề phát triển kinh tế, tại An Giang, Tổng Bí thư đã đến thăm, làm việc tại xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú). Tại đây, Tổng Bí thư đánh giá cao mô hình “3 nhà” được triển khai gồm “Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp”, nhằm phát triển nuôi thủy sản hiệu quả. Theo Tổng Bí thư, đây là cách làm hay cần được ngành chức năng tiếp sức để phát triển mạnh hơn.
Báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đặc biệt nhấn mạnh tới công tác điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ được tỉnh quan tâm thực hiện, phát huy tốt năng lực cán bộ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc tinh giản biên chế cũng được tỉnh thực hiện nhằm cơ cấu lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Đáng chú ý, An Giang thực hiện mạnh mẽ mô hình Bí thư chi bộ kiêm trưởng khóm, ấp ở hàng trăm khóm, ấp; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã tại nhiều nơi ở các huyện, thị.
Tổng Bí thư đánh giá, việc chỉ đạo của Đảng bộ An Giang được đổi mới theo hướng tích cực, thực chất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo một số địa phương triển khai mô hình hợp nhất, nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh ở cấp xã, cấp huyện, bước đầu mang lại kết quả tích cực, được cán bộ và nhân dân đồng tình, làm cơ sở để tập trung chỉ đạo nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Tổng Bí thư lưu ý, đối với, công tác cán bộ, cần quy hoạch bài bản, có kế thừa, kế tiếp, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đối với huyện Châu Phú đã tổ chức được bộ máy ở 13 xã thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã-Tổng Bí thư cho biết đây sẽ là một kênh từ cơ sở để Trung ương nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc nhất thể hóa chức danh được Trung ương đặt ra; đã được một số địa phương thí điểm triển khai, thu được kết quả bước đầu. Qua đó vừa giải quyết được vấn đề cán bộ, giảm biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn. Đây cũng là biện pháp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành. Việc sớm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm, một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ, một việc chỉ một người làm, một người làm nhiều việc đang được đặt ra một cách cấp thiết. Thời gian qua, một số địa phương đã tiến hành nhất thể hóa một số chức danh (tiêu biểu là Quảng Ninh); thì nay, với việc tìm hiểu thực tế tại địa phương ở Đồng Tháp, Long An của Tổng Bí thư, cho thấy chủ trương này sẽ được đẩy nhanh sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm ở những nơi đã thực hiện thí điểm thành công.
Đổi mới mạnh mẽ trong việc thu gọn đầu mối nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương. Kinh nghiệm từ cơ sở sẽ được đúc kết, nhân rộng, đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới của đất nước. Đó cũng chính là mệnh lệnh từ cuộc sống.