Thông tin với báo chí về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1/2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng gia tăng.
Buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng gia tăng
Theo Tổng cục Hải quan, những mặt hàng gian lận thương mại, buôn lậu chủ yếu liên quan đến pháo nổ, hàng tiêu dùng tại tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào phục vụ nhu cầu Tết; mặt hàng vàng và tiền tệ ở khu vực biên giới Tây Nam.
Số vụ phát hiện bắt giữ và xử lý tăng 9,6%, trị giá hàng hóa vi phạm tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào.
Bên cạnh đó, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hóa tiêu dùng, thuốc lá điếu tại các khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia.
Tình hình hoạt động của tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, tiền chất qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến. Đặc biệt là tuyến đường hàng không, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh... Các đối tượng lợi dụng loại hình này để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới về Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước khác tiêu thụ. Thủ đoạn cất giấu tinh vi, thường ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm, thịt động vật...
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bà Nguyễn Phạm Như Hà - Phó Trưởng phòng Giám sát, Quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý giám sát về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Nắm được xu hướng hoạt động buôn bán hàng giả, hàng lậu cũng như hàng xâm phạm quyền, về phía Tổng cục Hải quan xây dựng những kế hoạch phòng, chống hàng lậu, hàng giả cũng như hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để từ đó phân loại được rủi ro, tập trung đúng lực lượng vào những mặt hàng rủi ro, tuyến đường rủi ro.
Riêng trong thời gian Tết 2025, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 4 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Tang vật thu được gồm: 24,3kg pháo nổ các loại; 16,9kg ma tuý các loại (chưa có kết quả giám định)...
Tăng cường ngăn chặn hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trong tháng đầu năm, thị trường sôi động hơn do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao dịp Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn những diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, nhất là tại các tỉnh biên giới.
Nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào sâu thị trường nội địa tiêu thụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã lên kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra đột xuất, ngăn chặn hàng hoá do buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả thị trường truyền thống và trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kế hoạch Tài chính, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) nêu rõ: Năm 2025, xác định lĩnh vực thương mại điện tử vẫn là một lĩnh vực mà lực lượng QLTT tập trung đấu tranh trong khâu kiểm tra, xử lý. Theo đó, tập trung kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các kênh kinh doanh online, sàn thương mại điện tử, web, fb, zalo… nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá . Việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để tiếp tục phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có biên giới giáp với các nước, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác để huy động sự tham gia và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...