Theo các chuyên gia, tình trạng gian lận thuế giá trị gia tăng (GTGT) có xu hướng tăng mạnh. Các hành vi như: thành lập doanh nghiệp (DN) để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, câu kết với các DN kể cả các DN nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí… diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi.
Các vụ việc tiếp tục lộ sáng
Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã phát hiện nhiều đường dây liên kết giữa các DN “ma” với nhau để mua bán sử dụng hóa đơn với số lượng và giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Công ty TNHH Junma Phú Thọ mua bán hóa đơn có giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng; Ngô Văn Phát - Công ty CP thương mại xăng dầu Phát tại Hải Phòng, cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn lên đến 5.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức đã lập khống các hợp đồng kinh tế xuất khẩu với số tiền gian lận thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều lĩnh vực tưởng chừng như đơn giản lại xuất hiện gian lận thuế phức tạp. Chẳng hạn các DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng là hàng nông, lâm, thủy sản, gian lận thuế bằng cách sử dụng hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu. Trong đó các DN kinh doanh mặt hàng nông lâm sản thành phẩm thu mua nguyên liệu của người dân và các cơ sở nhỏ lẻ không có hóa đơn GTGT, mua hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu...
Các công ty lập chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, không có hàng hóa mua vào, mua hóa đơn của các DN bỏ trốn, các DN không có địa chỉ kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng.
Nhìn lại các hành vi gian lận thuế GTGT có thể thấy, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi, phức tạp. Các hành vi như: thành lập DN để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, câu kết với các DN kể cả các DN nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí…, diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thu cho NSNN.
Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho rằng, thủ tục thành lập DN hiện nay quá dễ khiến nhiều đối tượng lợi dụng thành lập các DN “ma” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. “Thậm chí chỉ với chứng minh thư nhân dân nhặt được, hoặc làm giả mà người ta vẫn thành lập được một công ty, thì chúng ta phải xem lại quy trình kiểm tra hồ sơ” - ông Thức nói.
Cũng theo ông Thức, việc mua bán các pháp nhân hiện nay cũng quá đơn giản và lỏng lẻo, do đó rất nhiều người lợi dụng việc này để làm điều mờ ám. Họ mua các pháp nhân đã thành lập, đã phát hành hóa đơn, sau đó chuyển đổi giám đốc, cũng như địa chỉ trụ sở và thực hiện việc mua bán hóa đơn trái phép.
Xác minh kỹ nguồn gốc hàng hóa
Để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hóa đơn nhằm thu lợi bất chính, Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan thuế các cấp tổ chức phổ biến, thực hiện, tổng kết, đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về các dấu hiệu, hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn như phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn không hợp pháp. Đồng thời, rà soát, đánh giá phân loại các DN có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn thông qua các dấu hiệu nghi vấn.
Trường hợp có rủi ro về thuế thì cơ quan thuế yêu cầu giải trình làm rõ. Các Cục Thuế phải so sánh sự phù hợp giữa hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn mua vào và của hóa đơn bán ra tương ứng; đối chiếu chứng từ thanh toán tiền mua bán hàng hóa hạch toán tại DN với chứng từ thực tế phát sinh tại ngân hàng mà người nộp thuế giao dịch để phát hiện việc chuyển tiền lòng vòng, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, tiến hành xác minh giao dịch qua ngân hàng (sao kê ngân hàng) và phối hợp với chính quyền địa phương xác minh ngay những vấn đề còn tồn tại của DN.
Đối với những hóa đơn phục vụ cho việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện người nộp thuế có sử dụng đầu vào trực tiếp của DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng thì cơ quan Thuế thông báo bằng văn bản cho DN biết để kê khai điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp khi nhận được yêu cầu xác minh về hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa, vận chuyển,... thì phải phối hợp xác minh và trả kết quả xác minh chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu xác minh, trường hợp phức tạp thì thời gian trả kết quả không quá 30 ngày làm việc. Về vấn đề này, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không nhận được sự phối hợp hoặc phối hợp không kịp thời của Cục Thuế khác, đề nghị Cục Thuế báo cáo ngay với Tổng cục Thuế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính để hạn chế tối đa hành vi gian lận này, thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế và công tác điều tra của cơ quan chức năng nhằm phát hiện sớm và xử lý kiên quyết, kịp thời một cách triệt để các hành vi gian lận thuế GTGT.