Mạnh tay với lãng phí tài sản công

LÊ ANH 11/08/2023 07:05

Sau thời gian triển khai việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đến nay UBND TPHCM đã xử lý thu hồi gần 400 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích đất hơn 1,6 triệu m2. Việc xử lý cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng lãng phí đất công sản đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Công trình nhà đất hơn 800 tỷ đồng bị bỏ hoang, gây lãng phí ngay giữa trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM).

Quyết tâm chống lãng phí

Trong số hơn 1,6 triệu m2 nhà đất công sản đã thu hồi, Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) đã trình UBND TPHCM và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý đối với gần 12.900 địa chỉ nhà đất, đến nay đã xử lý thu hồi được 381 địa chỉ nhà đất. Dù con số còn khiêm tốn, song theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 167 TPHCM, kết quả đã giúp chính quyền thành phố chấn chỉnh và xử lý thu hồi một phần đối với các địa chỉ nhà đất sử dụng sai mục đích, vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua. Cũng nhờ đó, tạo nguồn vốn từ tiền bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất dôi dư sau sắp xếp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Có những quận, huyện từ nguồn tiền thu hồi được đã có thêm một phần ngân sách để bố trí cho đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hóa công nghệ máy móc thiết bị và tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Điển hình, trường hợp TP Thủ Đức nhờ rất quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã thu hồi thành công được nhiều tài sản công vốn đã bỏ hoang gây lãng phí từ nhiều năm qua. Công việc này được UBND TP Thủ Đức kiên trì thực hiện bằng việc lên phương án sắp xếp lại theo quy định ngay giai đoạn đô thị mới “thành phố trong thành phố” vừa hoàn thành.

Trong số này, công trình trụ sở UBND quận 9 cũ (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) đã có phương án đề xuất bố trí làm trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Thủ Đức và trụ sở làm việc của các phòng/ban, như Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường... Đối với trụ sở Ban Dân vận, MTTQ quận Thủ Đức (cũ) cũng được đề xuất phương án bố trí làm trụ sở Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức. Thời gian qua, các nhà đất công sản kể trên phải để trống do chờ quyết định của UBND TPHCM xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp, bố trí lại.

Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trong thời gian tới, Thủ Đức tiếp tục rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất là trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Quá trình này đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện sửa chữa, mua sắm, thuê, thanh lý, bán, điều chuyển, tiêu hủy tài sản công tại cơ quan, đơn vị, tổ chức theo đúng quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND của UBND TPHCM.

Thời gian qua, trên toàn địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể tình trạng sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hoá hoặc vi phạm pháp luật liên quan đến nhà đất công, với diện tích đã giảm được hơn 213.600m2. Bên cạnh đó, nhờ quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tổng diện tích đất sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật, bỏ hoang hoá đã được TPHCM xử lý, thu hồi được tăng hơn 72.000m2.

“Sai đến đâu, xử đến đó”

Kết luận của Thanh tra TPHCM cũng đề nghị xử lý nhiều cán bộ, công chức, người đứng đầu các cấp cơ sở có tình trạng lãng phí nhà đất công sản. Điển hình, Thanh tra TPHCM đã có văn bản ngày 27/7 thông báo kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, trong đó kiến nghị Chủ tịch UBND quận 12 (TPHCM) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc để xảy ra những thiếu sót, hạn chế trong quản lý đất công.

Kết quả thanh tra trong giai đoạn 2020 - 2021, cơ quan chức năng xác định riêng quận 12 có tới 40 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận đã thực hiện cho thuê mặt bằng mà không có đề án sử dụng tài sản công được duyệt (chưa lập đề án hoặc đề án chưa được duyệt). Riêng Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12 để xảy ra nhiều thiếu sót, hạn chế trong việc quản lý, cho thuê nhà đất, mặt bằng, ki ốt thuộc sở hữu của Nhà nước. Thanh tra TPHCM cũng đã xác định trách nhiệm, các hạn chế, thiếu sót của nhiều phòng, ban liên quan trực thuộc UBND quận 12, Chủ tịch UBND các phường nơi có nhà, đất công liên quan, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập được giao sử dụng nhà, đất công có cho thuê...

Không chỉ dừng lại ở kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM mới đây cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm thực trạng liên quan đến dự án “treo” Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Siêu dự án “treo” có tổng mức đầu tư hơn 836 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2014 nhưng đến năm 2017 thì tạm ngừng cho đến nay.

Ngoài các siêu dự án “treo” đang do HĐND và MTTQ TP HCM tham gia giám sát, tham mưu giải pháp, UBND TP HCM cũng quyết định lập một Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó có các dự án nhà đất công tho công “treo” hoặc bỏ hoang, gây lãng phí nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với lãng phí tài sản công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO