Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật Sư Chính Pháp) cho rằng, có thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, xử lý thì mới giải quyết được vấn nạn làm giả và sử dụng giấy tờ tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, với thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì các hành vi làm giả giấy đi đường, phiếu xét nghiệm, giấy tờ liên quan đến lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giấy tờ liên quan đến dịch bệnh khác thì thường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi tính nghiêm trọng của sự việc.
PV: Việc xử lý các trường hợp làm giả và sử dụng giấy tờ giả thời gian qua đã thỏa đáng chưa, thưa ông?
LS Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật hiện nay thì chế tài xử lý hành chính của hành vi trên có thể lên đến 40 triệu đồng, chế tài hình sự thì có thể đến 7 năm tù. Đó là chế tài nghiêm khắc cho hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu con dấu giả.
Ngoài ra, người sử dụng tài liệu con dấu để được tuyển dụng, bổ nhiệm vào cơ quan tổ chức nhà nước còn bị hủy bỏ kết quả, bị sa thải. Chế tài như vậy là phù hợp và nghiêm khắc.
Tuy nhiên, hiện tượng làm giả, sử dụng giả vẫn diễn ra bởi sự bất hợp lý trong việc đưa ra các yêu cầu về bằng cấp chứng chỉ và việc đấu tranh với loại tội phạm này chưa quyết liệt, phát hiện chậm, xử lý chưa triệt để.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả dẫn đến nhiều đối tượng vẫn công khai đăng tin làm giả về việc tiếp cận giữa người có nhu cầu làm giả và các đối tượng làm giả qua mạng xã hội rất dễ dàng, thủ tục nhanh chóng, chi phí rẻ nên rất nhiều người đã mua bán sử dụng giấy tờ giả.
Có ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự các trường hợp sử dụng giấy tờ giả thay vì chỉ xử lý hành chính như hiện nay? Quan điểm của Luật sư?
- Theo Quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc sử dụng giấy tờ tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn điều luật này để làm rõ “hành vi trái pháp luật” là gì. Bởi vậy, nhiều địa phương chỉ áp dụng các hình thức kỷ luật, mức độ cao nhất là buộc thôi việc. Còn việc xử lý hình sự đối với các cán bộ, công chức sử dụng giấy tờ tài liệu giả thì gần như không áp dụng, khiến dư luận bức xúc.
Nhiều người hiểu rằng hành vi trái pháp luật là hành vi bị pháp luật cấm. Các hành vi bị cấm nằm trong các văn bản luật do Quốc hội quyết định. Người nào thực hiện các hành vi bị cấm trong đó có hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ của cơ quan tổ chức thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do có nhiều cách hiểu khác nhau nên nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa mạnh tay đối với hành vi cán bộ công chức, viên chức sử dụng giấy tờ giả bằng chế tài hình sự.
Vậy, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng làm giả và sử dụng giấy tờ giả, thưa Luật sư?
- Để ngăn chặn hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức cũng như hành vi sử dụng giấy tờ tài liệu giả, thì phải thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp như: Cần cân nhắc trong việc ban hành các quy định, thủ tục về giấy tờ hành chính pháp lý, tránh trường hợp quy định các loại giấy tờ chứng chỉ nặng về mặt thủ tục hành chính, nhưng không thiết thực trong việc ứng dụng, sử dụng.
Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định rõ những hành vi nào sẽ xử lý hành chính, hành vi đến đâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bổ sung bằng các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao.
Ngoài ra, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc học tập, trung thực đối với hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ của mình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các đường dây làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
Có thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời các biện pháp thì mới giải quyết được vấn nạn làm giả và sử dụng giấy tờ tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Trân trọng cảm ơn ông!