Kinh tế

Mập mờ nông sản đội lốt hàng Việt

K.Lê 27/04/2024 16:24

Thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nông sản xuất xứ không rõ ràng nhưng lại được quảng bá là sản phẩm Việt Nam. Thực trạng này khiến cho người tiêu dùng hoang mang, bên cạnh đó là uy tín nông sản Việt bị ảnh hưởng.

baitren.jpg
Nhiều loại nông sản ở các chợ dân sinh gắn mác hàng nội. Ảnh Hà Duyên.

Rau nhập ngoại gắn mác hàng Sa Pa

Tại hệ thống chợ dân sinh và trên các hội nhóm của mạng xã hội Facebook, Zalo bày bán khá nhiều sản phẩm cải mầm đá với giá rẻ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg và được quảng bá là “hàng chính gốc Sa Pa”. Thế nhưng theo một chủ sạp kinh doanh rau quả tại chợ đầu mối phía Nam, cải mầm đá giá rẻ bày bán tại Hà Nội chủ yếu là hàng nhập từ bên ngoài vào trong nước chứ không phải hàng Sa Pa. Diện tích trồng cải mầm đá tại Bắc Hà và Sa Pa (Lào Cai) chỉ khoảng 10ha và đã sắp hết mùa thu hoạch nên giá bán tại đây dao động từ 45.000 - 70.000 đồng/kg, không có giá rẻ như các tiểu thương quảng cáo.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tâm (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), trước đây bà thường xuyên vào siêu thị, cửa hàng tiện ích mua rau quả, hàng nông sản với mong muốn lựa được hàng nông sản có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, bà Tâm bày tỏ thất vọng vì rau mua ở chợ dân sinh với rau mua ở siêu thị đều cùng nhập một chỗ, chỉ khác là rau ở cửa hàng tiện ích thì có dán nhãn mác.

Khi được hỏi nguồn gốc một số loại rau củ quả như: Bí xanh, khoai tây, cà rốt, cải xanh, cải ngọt, cà chua, nấm… nhiều chủ sạp rau thẳng thắn cho biết, nguồn rau lấy ở chợ đầu mối không phải rau củ nội địa vì giá nhập thường rẻ hơn so với một nửa so với rau, củ nội.

Giá thành rau nhập rẻ nên tại các chợ dân sinh rau, củ, trái cây ngoại hầu như lấn át rau củ nội. Thời điểm này được xem là cuối vụ cà chua, chị Nguyễn Thị Định (Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hà Nội) dự tính sẽ có doanh thu khá từ vụ cà chua trái mùa. Thế nhưng 3 sào cà chua đã đến kỳ chín đỏ mà vẫn không có thương lái đến hỏi mua. Xót công, xót của chị buộc phải hái đi bán lẻ với giá 10.000 đồng/kg. Trong khi đó cũng mặt hàng cà chua nhưng tại chợ các sạp đang bán dao động từ 15 đến 20.000 đồng/kg.

Lý giải vì sao bán rau, củ quả ngoại mà lại nói là hàng nội, chị N.T.H - chủ sạp rau tại chợ dân sinh tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Tâm lý người tiêu dùng muốn dùng rau và trái cây nội nhưng giá thành rau, quả nội thường cao hơn lại không để được lâu vì thế nhập rau, củ ngoại thậm chí là hoa quả ngoại bán vẫn là lựa chọn của các đại lý, chủ sạp hàng nhỏ…

Dẫn chứng, chị N.T.H cho biết, mùa này cà chua, khoai tây, bắp cải đang là trái vụ chỉ một số địa phương mới trồng được như Đà Lạt, Sapa… nếu lấy hàng trong nước giá thành rất cao trong khi đó rau củ ngoại đa dạng, giá lại rẻ hơn…

Không chỉ mặt hàng rau củ, nhiều mặt hàng trái cây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Phần lớn người tiêu dùng khi lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu cũng đặt niềm tin vào tem mác xuất xứ trên chủng loại trái cây. Lợi dụng điều này, một số đơn vị kinh doanh đã gắn mác nội như dưa hấu Bình Định, cải Sa Pa... để lừa dối khách hàng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mã vùng

Không chỉ nhộn nhịp tại các chuỗi cửa hàng trên phố, trên các trang mạng xã hội hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao trái cây nhập khẩu như: Hoa quả sạch nhập khẩu; hoa quả xách tay; hoa quả đặc sản các nước, hoa quả theo tiêu chuẩn VietGap… với mức giá rẻ giật mình, khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi, bất an.

Lựa chọn 3 quả dưa hấu với giá 12.000 đồng/kg, dù được chủ xe giới thiệu dưa hấu trồng theo tiêu chuẩn VietGap chở từ Bình Định nhưng anh Nguyễn Hoài Nam (Long Biên, Hà Nội) vẫn có chút hoài nghi vì trước có dịp vào Bình Định giá dưa hấu anh mua tại Bình Định đã có giá 15.000 đồng/kg trong khi đó, chi phí chở ra Hà Nội không nhỏ mà giá thành lại thấp hơn tại nơi sản xuất.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, nhiều loại hoa quả Việt đã bị các thương lái làm giả thương hiệu, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt.

Nhiều loại nông sản sản xuất trong nước nhưng lại bị “hô biến” thành sản phẩm nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch song được gắn mác sản phẩm Việt. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, hợp tác xã sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của hợp tác xã còn manh mún, nhỏ lẻ.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, lực lượng quản lý thị trường cần kiên quyết đấu tranh chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để gìn giữ giá trị cho người sản xuất chân chính. Việc cần làm hiện nay là phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phát triển những vùng nguyên liệu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mã vùng, mã số. Mỗi địa phương cũng nên chọn một vài sản phẩm đặc trưng của mình để hỗ trợ xây dựng, bởi nếu chỉ có hô hào mà thiếu sự hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng khó bắt tay với chủ thể sản xuất để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.

Không khó để bắt gặp dọc nhiều con phố tại Hà Nội, các xe hàng rong cũng bày bán la liệt các loại hoa quả nhập khẩu, hoa quả được gắn nhãn hoa quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap, được trồng tại các nông trại lớn ở Việt Nam nhưng giá rẻ giật mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mập mờ nông sản đội lốt hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO