Với số tiền lên đến hơn một ngàn tỷ đồng mỗi năm, tiền trợ giá cho các hoạt động của xe buýt chiếm tới khoảng 5% ngân sách toàn TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, ngoài việc hoạt động không hiệu quả, lượng hành khách ngày càng ít đi, tai nạn và ùn tắc tăng lên thì việc chi tiền để trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải vẫn còn mập mờ, thiếu minh bạch.
Ảnh minh họa.
Hậu quả của nó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, trục lợi tiền của ngân sách bằng cách khai khống số lượng hành khách so với thực tế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không thuộc diện trợ giá những vẫn nhận hàng trăm triệu đồng tiền trợ giá.
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có kết luận kết quả thanh tra toàn diện các mặt đối với việc quản lý của việc trợ giá các hoạt động xe buýt do Trung tâm vận tải hành khách công cộng quản lý.
Cụ thể, trong 3 năm (2012-2014), thành phố đã chi hơn 4.000 tỷ đồng cho các hoạt động trợ giá. Mục đích của việc này nhằm khuyến khích người dân đi xe buýt, tạo thói quen di chuyển bằng phương tiện vận tải công cộng, giảm lượng xe cá nhân.
Nói nôm na, thành phố chi hàng ngàn tỷ đồng để giúp hành khách đi xe buýt có giá rẻ hơn so với giá thị trường. Cụ thể, nếu di chuyển bằng các phương tiện khác có thể mất cả trăm ngàn đồng thì khi đi xe buýt, người dân chỉ trả số tiền rất nhỏ so với con số trên, thậm chí nhiều trường hợp như học sinh, sinh viên, người khuyết tật còn được miễn phí ở một số tuyến nhất định.
Tuy nhiên, Trung tâm vận tải hành khách công cộng lại chi tiền không đúng cách, buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, Công ty TNHH Châu Cường và Hợp tác xã vận tải Phương Lâm đã quyết toán khống việc đưa rước học sinh, thu về 170 triệu đồng.
Ngoài ra, Hợp tác xã Phương Lâm còn giả mạo hồ sơ để quyết toán tiền trợ giá của một số trường học trên địa bàn, thu số tiền 210 triệu đồng vi phạm. Nghiêm trọng hơn, trường mầm non Bình Chiểu (quận Thủ Đức) không thuộc diện trợ giá vẫn khai khống, rút gần 110 triệu đồng mà Trung tâm vận tải hành khách công cộng không phát hiện ra.
Bên cạnh đó, nhiều trường học nhận tiền trợ giá của Trung tâm vận tải hành khách công cộng nhưng lại không thông báo với học sinh, phụ huynh để tiếp tục thu tiền của các học sinh.
Tổng số tiền thu sai phạm này khoảng 4 tỷ đồng trong 3 năm nêu trên. Tất cả các sai phạm trên, theo kết luận của thanh tra đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung tâm vận tải hành khách công cộng.
Nó không chỉ gây thất thu, lãng phí hàng trăm triệu đồng mà còn khiến các hoạt động của xe buýt nhiều năm qua trở lên trì trệ, mất lòng tin của hành khách. Đến nay, hàng trăm trường học trên địa bàn thành phố đã dừng các hoạt động xe đưa rước liên quan đến Trung tâm vận tải hành khách công cộng.
UBND thành phố xác định, những sai sót trên là trách nhiệm của các cá nhân, tập thể Trung tâm vận tải hành khách công cộng và cả Sở GTVT thành phố.
Vì vậy, thành phố yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, nghiêm túc kiểm điểm để không tái diễn các sai phạm đã nêu.
Đặc biệt, thành phố cũng yêu cầu Trung tâm vận tải hành khách công cộng nhanh chóng thu hồi số tiền đã chi sai. Riêng các doanh nghiệp gian lận sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an thành phố để tiếp tục điều tra, xử lý.