Giáo dục

Mất cân đối nguồn thu trong các trường đại học

Hàn Minh 13/06/2024 07:58

Nhiều trường đại học thu học phí hàng trăm tỷ đồng/năm nhưng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất khiêm tốn, thậm chí chỉ vài trăm triệu đồng.

anh-cover.jpg
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Quang Vinh.

Sau gần 10 năm thực hiện tự chủ, đến nay danh sách những trường có mức doanh thu cả nghìn tỷ đồng đã lên tới vài chục trường. Trong đó, Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng có tổng nguồn thu hợp pháp năm 2022 là 1.067 tỷ đồng, thu từ học phí là 963 tỷ đồng (khoảng 90%), từ nghiên cứu khoa học (NCKH) 56,5 tỷ đồng (5%), từ ngân sách 5,8 tỷ đồng (1%) và từ nguồn khác 41,48 tỷ đồng (4%).

Chênh lệch nguồn thu

Năm 2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng nguồn thu 1.162 tỷ đồng, trong đó học phí chiếm gần như tối đa với 1.141,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, nguồn thu từ học phí là 899 tỷ đồng; năm 2020 là 810 tỷ đồng. Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) có doanh thu hơn 1.003 tỷ đồng. Nguồn thu cao nhất là học phí với 672,5 tỷ đồng, trong khi thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ hơn 44,4 tỷ đồng. ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 có tổng nguồn thu là 1.070,8 tỷ đồng; thu từ học phí chiếm phần lớn với 851,2 tỷ đồng; từ NCKH chỉ 7,01 tỷ đồng; thu từ ngân sách là 122 tỷ đồng và nguồn thu khác 90,39 tỷ đồng.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM năm 2022 thu 1.145 tỷ đồng, chủ yếu từ học phí. Năm 2021, tổng thu của trường này là 1.044 tỷ, cũng chủ yếu từ học phí. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm học 2022 - 2023 có tổng doanh thu 843 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ học phí lên đến 740 tỷ đồng (chiếm hơn 87,7%), từ ngân sách 14 tỷ đồng (hơn 16%), từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là 4 tỷ đồng (0,47%), từ nguồn hợp pháp khác là 84 tỷ đồng (chiếm hơn 9,9%).

Đáng chú ý, trong tổng nguồn thu 918 tỷ đồng năm 2022 của Trường ĐH Hoa Sen có hơn 680 tỷ đồng từ học phí, còn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ chỉ 97 triệu đồng, thu từ các nguồn khác 237,7 tỷ đồng.

Phân tích cơ cấu doanh thu của các trường có doanh thu nghìn tỷ trên có thể thấy nguồn thu chủ yếu đến từ học phí, dao động từ 80-90%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh thu có được là từ việc tăng chỉ tiêu, tăng học phí và người học là “sức khỏe” tài chính của các trường công lập tự chủ.

anhbaitren.jpg
Sinh viên khoa Du lịch, nhà hàng, khách sạn - Trường Đại học Hoa Sen trong một buổi học thực hành. Ảnh: HSU.

Lo mất cân đối

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong 30 trường có tổng thu cao nhất hiện nay có đến 14/23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77. Mức thu của nhiều trường ĐH công lập tự chủ không kém cạnh những trường ĐH ngoài công lập. Tuy nhiên khi học phí chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng nguồn thu của các trường, gánh nặng đè lên vai người học với việc các trường đua nhau tăng học phí. Điều này rất rõ trong những năm gần đây khi nhiều trường tăng học phí gấp 2, 3 lần so với trước đó và lộ trình tiếp tục tăng theo từng năm.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) chỉ ra thực trạng hiện nay học phí nhiều trường ĐH đang tăng rất cao. “Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, dẫn ra làn sóng các trường đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí" - ông Nghĩa nói và chỉ ra thực tế có nhiều trường không mở ngành bình thường mà mở hệ chất lượng cao của chính ngành học đó. Tuy là hệ đào tạo chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn điểm bình thường, chỉ tăng thêm môn học tiếng Anh. Các trường sau khi kiểm định xong thì tăng học phí. Người học căng thẳng vì học phí trong khi các trường lại không chịu áp lực về chỉ số NCKH, chuyển giao công nghệ khi số liệu cho thấy, ở một số trường, mức thu từ hoạt động này chỉ chưa đến 100 triệu đồng dù tổng thu của trường lên tới gần 700 tỷ đồng.

Hiện Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 01/2024 về Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn số 6 liên quan tới “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” quy định: Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên 1 giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm. Trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.

Dẫu vậy, nhìn vào thực tế nguồn thu vừa phân tích ở một số trường có doanh thu cao hiện nay, có thể thấy đây là quy định không dễ thực hiện. Bởi kết quả hoạt động NCKH đang được đo lường dựa vào 3 yếu tố là các công trình nghiên cứu, những sản phẩm, sáng chế, giải pháp có ứng dụng rất lớn trong đời sống xã hội và kết quả của các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, đời sống, sản xuất.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

ĐH Kinh tế TPHCM hiện là một trong những cơ sở giáo dục ĐH dẫn đầu cả nước về nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ. Năm 2022, đơn vị này có tổng thu hơn 1.443 tỷ đồng, trong đó thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ lên đến 363,2 tỷ đồng, còn thu từ học phí gần 961 tỷ đồng, từ nguồn thu hợp pháp khác gần 113 tỷ đồng và từ ngân sách 6,4 tỷ đồng.

Đại diện nhà trường chia sẻ kinh nghiệm để đạt được thành quả này đó là luôn chú trọng phát triển nghiên cứu hàn lâm, công bố quốc tế và phục vụ cộng đồng trên nền tảng nội lực của trường. Cụ thể, trường đã triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng năng lực nghiên cứu dành cho đội ngũ; triển khai các chính sách đột phá trong khen thưởng, tài trợ, khuyến khích những công bố chất lượng song song với xây dựng các quy định quản lý và quy tắc về liêm chính học thuật trong NCKH. Cùng với đó, Hội đồng liêm chính học thuật được thành lập với vai trò thẩm định các khía cạnh đạo đức, khoa học của các nghiên cứu để phê duyệt, nghiệm thu; hỗ trợ các công trình nghiên cứu hàn lâm; cảnh báo thường xuyên những danh mục tạp chí bị loại khỏi ISI, Scopus, danh mục các nhà xuất bản săn mồi, giả mạo; những "bẫy nghiên cứu" mà người làm khoa học có khả năng mắc phải. Lắng nghe, hỗ trợ kịp thời các nhà khoa học, đồng thời kiên quyết xử lý các sai phạm theo đúng trình tự quy định.

Để tăng nguồn thu từ hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ, theo TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM, trước hết cần thay đổi cách tiếp cận và thực hiện các đề tài. Cần xem hoạt động NCKH là một dịch vụ, phải có sự kết nối với các bên liên quan, không thể chỉ trông chờ vào kinh phí từ Nhà nước vốn khiêm tốn. Cần gia tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường ĐH để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Có như vậy hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, đem lại nguồn thu cho nhà trường.

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, với các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GDĐT, kinh phí đạt bình quân 400 tỷ đồng/năm và gần như không thay đổi từ năm 2011 - 2016, một con số rất thấp so với tổng ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ. Mức bình quân chi khoa học công nghệ trên 1 giảng viên thấp hơn từ 10 - 30 lần mức bình quân của các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam:

Cần đầu tư trọng điểm, tạo đà bứt phá

anh-box-1.jpg

Hiện nay ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH còn thấp. Dự thảo báo cáo về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GDĐT nêu rõ kinh phí chi cho NCKH của các cơ sở giáo dục ĐH theo thống kê chỉ khoảng 0,05% GDP. Dù nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển có trình độ cao tập trung nhiều ở các trường ĐH chiếm 50% tổng lực lượng nghiên cứu và phát triển trong cả nước, nhưng các trường ĐH chỉ nhận được khoảng 13% trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và phát triển.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, tổng mức kinh phí thực hiện các đề tài/dự án khoa học công nghệ cho tất cả các trường ĐH còn quá ít, không thể tạo đà bứt phá. Do đó cần có cơ chế phân bổ lại ngân sách khoa học công nghệ cho cơ sở giáo dục ĐH và cần có giải pháp để đạt mức đột phá, trong đó quy hoạch các cơ sở giáo dục ĐH giúp xây dựng và triển khai các cơ chế phân bổ chi hợp lý, trọng tâm, trọng điểm, theo cơ cấu lĩnh vực dựa trên hiệu quả hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất cân đối nguồn thu trong các trường đại học