Với hình thức bán vé qua mạng, hiện nay thật dễ dàng vì hành khách có thể ngồi ở nhà cũng đặt được một chiếc vé máy bay, vé tàu hay thậm cả vé ô tô. Thế nhưng, cũng từ hình thức mua bán vé này, rất nhiều các rắc rối về sai lệch thông tin, về việc vé giả mà phần thiệt thòi luôn là khách hàng.
Một khách hàng mua phải vé máy bay giả.
Vé thật vẫn không được lên tàu
Theo ước tính, dịp tết Bính Thân này có khoảng trên 3 triệu lượt người di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương khác như miền Trung, miền Bắc hay Tây Nguyên…. Mấy ngày qua, tại ga Sài Gòn, nhiều hành khách đã không thể lên tàu vì thông tin ghi trên vé sai lệch với thông tin cá nhân. Đó là số chứng minh nhân dân không khớp với số in trên vé, thông tin tòa tàu, số ghế không đúng…
Thậm chí, nhiều hành khách chấp nhận bỏ thêm tiền mua lại chính vé sai lệch đó, hoặc đổi trả nhưng cũng không được, vì thủ tục khá rườm rà mà thời gian tàu đã khởi hành.
Được biết, đây là năm đầu tiên ga Sài Gòn bán vé, kiểm soát vé lên tàu bằng thông tin (dạng mã Code) in trên cuống vé khi hành khách mua đã cung cấp.
Chị Hạnh, 26 tuổi, ngụ tại Bình Hưng Hòa (Bình Tân, TP HCM) một người không lên được tàu cho biết, do chị nhờ một người bạn đăng ký thông tin mua vé, vì chị không am hiểu các thủ tục nhắn tin, truy cập mạng internet nên khi đến ga mới biết không lên được tàu. Thông tin ở vé tàu của chị và giấy tờ bản thân có sự sai lệch. Thế nên chắc chắn, năm nay chị không thể về quê ở Tam Điệp (Ninh Bình) đón Tết cùng gia đình được.
Tương tự, anh Thuận, một hành khác ở ngụ ở Gò Vấp (TP HCM) cũng “chết đứng” khi ngày 23 tháng Chạp đưa cả gia đình lên ga nhưng vé của anh lại không hợp lệ vì sai tên so với chứng minh thư. Được biết, ngoài hàng chục trường hợp không lên tàu được vì vé không hợp lệ, hàng chục hành khách khác cũng đành ngậm đắng nuốt cay vì mua vé chợ đen ở cửa ga Sài Gòn cũng không thể lên tàu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải hành khách ga Sài Gòn cho biết, do năm nay ga Sài Gòn có sự thay đổi, quản lý chặt chẽ thông tin của hành khách mua vé tàu nên các thông tin cá nhân phải chính xác tuyệt đối. Việc này nhằm mục đích ngăn chặn nạn vé chợ đen diễn ra nhiều năm qua. Và cũng là biện pháp bảo vệ hành khách đi tàu. Chính vì thế, nếu ai mua vé mà nhầm lẫn thông tin thì chắc chắn sẽ không được lên tàu.
Vẫn biết, việc quản lý, ngăn chặn nạn vé chợ đen, nhảy tàu trốn vé cần nghiêm minh, quyết liệt nhưng không vì thế mà bắt các hành khách bỏ tiền ra mua vé tàu lại không lên được. Nếu hành khách đó không lên thì cả chuyến tàu, chẳng phải ghế đó bỏ trống hay sao, nhiều người thắc mắc về các quy định cứng nhắc của phía đường sắt.
Vé máy bay cũng giả
Không chỉ vé tàu mà ngay cả vé máy bay, nhiều hành khách bỏ ra vài triệu đồng cũng mất Tết vì mua phải vé giả, vé không hợp lệ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịp giáp Tết này hàng chục công nhân ở TP Hồ Chí Minh đã sững sờ vì mua phải vé giả. Chị Nguyễn Thị Hồng, một công nhân quê Thanh Hóa, tạm trú ở quận 12 cho biết: Cách đây khoảng hơn một tháng, chị có nhờ người quen mua một vé máy bay giá rẻ về quê.
Sau đó người này giới thiệu cho chị một đại lý bán vé. Nhân viên đại lý này báo giá rẻ hơn nhiều so với các đại lý khác nên chị thấy cũng an tâm, hợp túi tiền. Không những vậy, chị Hồng còn mua giùm một số công nhân trong cùng công ty để về quê.
“Do mua vé máy bay thì khi bỏ tiền, đại lý họ đưa cho mình một tờ giấy in mã số Code, bảo là khi đến sân bay thì đưa ra làm thủ tục. Mà chúng tôi cầm giấy in mã số vé là tin tưởng chứ không biết cách kiểm tra thế nào. Đến khi tới sân bay thì mới biết thực hư”, chị Hồng bức xúc.
Một chủ đại lý vé máy bay ở quận Tân Bình cho hay, việc hành khách mua vé máy bay Tết tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ, rủi ro nếu chọn phải các đại lý không uy tín. Cụ thể, có hãng hàng không quy định khi đặt tiền mua vé, hành khách có quyền đặt giữ chỗ trong vòng 24 tiếng đồ hồ.
Nhiều đại lý đã qua mặt khách hàng bằng cách chỉ đặt một số ít tiền đủ để giữ vé, sau đó in ra, nhận tiền đầy đủ của khách hàng. Nếu là đại lý uy tín, họ sẽ trả đủ tiền để lấy luôn cái vé đó, còn nhiều đại lý làm ăn chộp giật, lừa đảo thì cầm tiền đó mà không đặt chỗ. Dĩ nhiên, sau 24 giờ, vé đó sẽ được hãng hàng không bán cho hành khách khác. Như vậy, người mua trước qua đại lý sẽ không lên được máy bay. Đây là kẽ hở mà nhiều đại lý, cò vé đã lừa đảo hành khách.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, thỏa thuận mua bán vé tàu giữa nhà ga và hành khách là thỏa thuận dân sự, vì thế nhà ga không thể vì hành khách có thông tin không đầy đủ mà không cho lên tàu được. Nếu vậy thì phải hoàn tiền vì lỗi ở đây thuộc về phía nhà ga in vé, kiểm tra vé khi hai bên giao dịch.
Ngoài ra, ông Hậu cũng cho rằng, những quy định để dẹp bỏ nạn cò vé là cần thiết nhưng cũng cần nghĩ tới quyền lợi của hành khách. Nếu là vé thật, nên tạo điều kiện để họ được lên tàu, về quê.