Thiếu thông tin cũng như do mong mỏi sớm có việc làm nhằm duy trì thu nhập lo cho cuộc sống, nhiều người lao động ở Đồng Nai đã bị “sập bẫy” lừa vì những công việc ảo. Khắp các cột điện ở đường lớn, đường trong khu công nghiệp, trong các xóm trọ, tờ rơi thông tin việc làm được dán kín mít. Phần lớn trong số đó đều là công việc không có thật.
Chị L.T.T., (32 tuổi) quê Thừa Thiên Huế vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai làm công nhân may mặc được 10 năm nay. Do công ty đóng cửa vì không có đơn hàng, chị cùng hơn 120 công nhân khác phải nghỉ việc. Mất việc làm, chị T. tìm đến những thông tin công việc dán ở cột điện gần phòng trọ.
Việc ảo ở cột điện, trang web
Chị T. cho biết, khi gọi vào số điện thoại trên tờ rơi, có một người bảo đang cần tuyển đại lý phân phối mỹ phẩm. Tuy nhiên, phải ký quỹ để bảo đảm về thông tin đại lý số tiền 950 nghìn đồng.
“Lúc đó, đang cần việc, mình thấy bán mỹ phẩm cũng phù hợp, nghe những lời quá ngọt của người hướng dẫn nên tôi chuyển 950 nghìn đồng vào số tài khoản ngân hàng cho họ. Nhưng khi chuyển xong thì liên lạc không được, bị chặn số. Lúc đó kể lại với ông xã thì mới biết là bị lừa” - chị T. bức xúc và nói bản thân đã không có việc nay còn mất tiền oan, chị quyết định tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai để tìm cơ hội khác.
Anh N.H. (22 tuổi), quê Sóc Trăng cũng cùng chung cảnh ngộ như chị T., chỉ khác nhau về vấn đề bị mất tiền cho môi giới. Anh H. cho hay, anh là một trong số gần 800 lao động bị nghỉ việc tại Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP Biên Hòa) tháng 3 vừa qua. Cũng với tâm lý nôn nóng kiếm việc để có thu nhập phụ giúp gia đình, anh lên mạng đọc được thông tin tuyển dụng công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất bánh kẹo ở Biên Hòa. Liên lạc với người tuyển dụng, thì được hướng dẫn chạy lên một trung tâm giới thiệu việc làm ở huyện Hóc Môn (TPHCM).
“Đến đó, có nhiều người nộp hồ sơ, tôi cũng được hướng dẫn nộp 350 nghìn đồng để làm chi phí. Sau đó, tôi được người nhận hồ sơ cho một số điện thoại bảo gọi vào đó sẽ được nhận việc. Tôi gọi vào thì họ bảo xuống TP Thuận An, tỉnh Bình Dương nhận việc bốc vác thùng nước 20 lít để đi giao cho các đại lý. Tôi có gọi lại cho người của trung tâm trên để phân trần về công việc không như giới thiệu thì họ bảo có việc là may rồi, làm thì làm không làm thì thôi” - anh H. nói và nhận định khả năng cũng có nhiều người mất oan chi phí như anh vì do số tiền ít nên không mấy ai đòi lại.
Chị T. và anh H. là hai trong số rất nhiều người thời gian qua đã bị mất tiền oan do tin vào công việc ảo được quảng cáo tại các “cột điện” hay các website môi giới việc làm. Để dễ dụ người lao động (NLĐ), các đối tượng xấu thường đưa ra những thông tin “ảo” về lương, thưởng ở mức rất cao, công việc dễ dàng kiểu “chỉ cần ở nhà cũng có thu nhập 350 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày”. Và rõ ràng, với những người đang trong tình cảnh khó khăn về việc làm, đó có thể là cứu cánh. Cứ như thế, NLĐ đã dễ dàng bị “sập bẫy” công việc ảo.
Thận trọng khi tìm việc
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena cho biết, gần như các chiêu thức về lừa đảo tìm việc hiện nay không có gì mới. Đa số NLĐ gặp phải tình trạng này là do vấn đề về tâm lý khi tìm việc.
“Các đối tượng lừa đảo nhắm vào tâm lý cần việc ngay, hoặc kiểu việc nhẹ lương cao, tạo ra những thông tin mời gọi về hoa hồng, mở đại lý bỏ vốn ít kiếm lời nhanh để dụ NLĐ. Việc mất tiền oan do nhu cầu tìm việc khá phổ biến không chỉ riêng Đồng Nai mà ở nhiều địa phương khác” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay lừa đảo tìm việc qua mạng vẫn diễn ra. Các đối tượng lừa đảo lập không chỉ một mà nhiều trang web, fanpage tuyển dụng lao động. Để “con mồi” dễ sập bẫy, các đối tượng lừa đảo lập tài khoản mạng xã hội giả mạo các chuyên trang tuyển dụng, doanh nghiệp (DN) rồi gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn cho người tìm việc; từ đó đưa ra những bài, thông tin việc làm kèm những lời hứa hẹn về lương, thưởng cao ngất.
Ông Thắng ví dụ, một website chuyên về bán hàng mỹ phẩm, để được trở thành thành viên, NLĐ phải mua một sản phẩm nào đó, hoặc chuyển tiền để mở tài khoản đại lý, ký quỹ. Khi nạn nhân chuyển tiền xong thì những người này họ sẽ cắt liên lạc, khóa số. “Tiền thì đã chuyển cho đối tượng lừa đảo, việc thì không có. Đó là thực trạng đáng báo động trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo khi tìm việc” - ông Thắng nói và nhấn mạnh, NLĐ nên tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, thay vì tìm việc ở “cột điện” và tin vào những lời có cánh về lương, thưởng.
Ông Bùi Mạnh Toàn - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tuyển dụng cấp cao Vietnox cũng khuyến cáo, thời điểm này NLĐ cần thận trọng khi đi tìm việc, đặc biệt cần cảnh giác với các tin nhắn, thông tin tuyển dụng không kiểm chứng. Ông Toàn cũng cho rằng, việc nhận diện những công việc chính thống cũng không quá khó. Không chỉ riêng tại Đồng Nai mà các DN chân chính trên cả nước nói chung, họ đều có nhiều kênh để tuyển dụng. Thông thường nhất là tại các bảng tin trước cổng DN hoặc niêm yết thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín khá phổ biến. Về thông tin công việc thì cụ thể, chi tiết, mức lương sẽ tùy theo vị trí công việc, thời gian làm việc.
Một điểm dễ nhận thấy hơn cả đó là, những DN tuyển dụng hoặc đơn vị môi giới chính thống thì người tìm việc không phải mất bất kỳ khoản tiền nào. Chỉ cần điền thông tin vào hồ sơ, DN sẽ chủ động kết nối mời phỏng vấn và nhận việc sau khi có kết quả.
Theo ông Bùi Mạnh Toàn - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tuyển dụng cấp cao Vietnox, NLĐ cần đề phòng và nâng cao nhận biết về thông tin tuyển dụng lừa đảo bởi rất hiếm DN tuyển dụng với những mức lương thưởng hậu hĩnh khi mới vào làm việc. Khi đi xin việc gặp phải những tình huống như yêu cầu NLĐ mua sản phẩm hoặc nộp tiền mở tài khoản để được vào làm việc chắc chắn là có vấn đề bởi DN chân chính không bao giờ làm những việc đó.