Quốc hội

Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử trong sắp xếp tinh gọn bộ máy

Việt Thắng 21/05/2025 18:56

Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

cu21-5.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)

Phải "trực thuộc"

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội), hiện có 2 luồng ý kiến về là các Hội, tổ chức chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là thành viên hay thành viên “trực thuộc”.

“Trong quá trình tinh gọn bộ máy, Trung ương thống nhất có 4 Đảng bộ: Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội, Đảng bộ các ban Đảng khối Nội chính và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương. Tất cả các Đảng bộ lãnh đạo toàn diện các cơ quan, tổ chức chính trị -xã hội và hội quần chúng, cho nên quy định này phải có từ trực thuộc” – ông Cừ nêu rõ quan điểm và cho hay lâu nay khi chưa có cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tất các hội cũng đã là thành viên của Mặt trận. Tuy nhiên trước đây, như Hội Người cao tuổi về Bộ Nội vụ quản lý về biên chế, tài chính do Bộ Tài chính quản lý và nhiệm vụ do Bộ Lao động quy định. Nhưng bây giờ quy về một mối, từ tài chính, con người, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ. Cho nên phải có từ “trực thuộc”. Trực thuộc là đúng vì Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương do Đảng lãnh đạo toàn diện", ông Cừ nói.

Về giám sát và phản biện xã hội, đặc biệt là giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong thời gian qua, ĐB Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đã được nâng lên. Bên cạnh đó, kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội được gửi đến các cơ quan, đơn vị và các cơ quan, đơn vị đã báo cáo, cũng như thực hiện các kết luận này rất tốt, tuy nhiên không phải là tất cả.

Từ đó bà Yến đề xuất dự thảo luật cần bổ sung thêm một cụm từ nữa là “giao cho Chính phủ, Đảng và chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm kết luận giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội”.

“Đây là một nội dung rất cần thiết, chúng ta phải thay đổi về mặt nhận thức đối với kết quả hoạt động giám sát. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội không phải là giám sát nhà nước như hoạt động của Hội đồng nhân dân, của Quốc hội mà là giám sát của nhân dân. Trong thời gian vừa qua một số cấp ủy, chính quyền đã triển khai, coi trọng các kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội nhưng không phải tất cả. Cho nên tôi đề xuất trong nội dung này cần phải có quy định rõ để thể hiện được trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội”, bà Yến nêu rõ.

Giám sát của các tổ chức chính trị xã hội phải dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) tán thành việc sửa đổi luật vì mục đích đảm bảo phù hợp việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Vấn đề sắp xếp các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc phải đảm bảo phù hợp, nhất quán với Hiến pháp.

Bà Ánh cũng đồng tình với một số sửa đổi trong điều khoản cụ thể, nhất trí bổ sung làm rõ nguyên tắc và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là hiệp thương dân chủ, thể hiện tính tôn trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các tổ chức thành viên khi bàn bạc, thảo luận, và luôn tôn trọng nhiều ý kiến phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tổ chức thành viên và thống nhất bàn bạc để đi đến chương trình chung.

Về giám sát, phản biện xã hội, theo bà Ánh, dự thảo sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tính thống nhất trong hoạt động giám sát giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo không trùng về nội dung, địa bàn, đối tượng. Nhưng trong sửa đổi Luật Công đoàn lại quy định Công đoàn chủ trì giám sát dựa trên sự thống nhất của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Luật Mặt trận và các luật khác có liên quan là chưa chặt chẽ.

Bởi bà Ánh nhìn nhận, khi đã đảm bảo hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động thì tất cả các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị xã hội đều phải dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất, để khi luật ban hành đảm bảo sự tương đồng giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thống nhất, trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các nội dung sửa đổi phải phù hợp với các nội dung sửa đổi của Hiến pháp đang cho ý kiến.

chau21-5.jpg
ĐBQH Tô Thị Bích Châu phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, trong tình hình hiện nay phải tinh gọn, thực chất, hiệu quả và Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử. Mặt trận phải tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, và phải được chế định trong luật, trong các hướng dẫn, điều lệ. Do đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhiều điều có sự liên thông để đảm bảo vai trò thực hiện của Mặt trận.

“Thực ra bản chất không thay đổi là phục vụ nhân dân, làm sao để gần dân, sát dân, mang tiếng nói của người dân, của Mặt trận đến các cấp chính quyền cũng như phục vụ sự tiến bộ của xã hội và phát triển đất nước”, bà Châu nói.

Liên quan đến giám sát và phản biện xã hội, trách nhiệm giải trình, theo bà Châu nên chăng đưa vào trong luật quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan trước những đề nghị của Mặt trận thì mới thực sự nâng cao vai trò của Mặt trận, đúng như vai trò mà Đảng đã lãnh đạo và giao cho nhiệm vụ chính trị của Mặt trận.

"Khi đưa vào các quy định đó, định chế và thậm chí là chế tài chẳng hạn trong năm đó Mặt trận gửi bao nhiêu lần nhưng không có phản hồi? không có sự giải trình thoả đáng? hoặc không có báo cáo đầy đủ thì cơ quan đó phải bị đánh giá thi đua", bà Châu kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử trong sắp xếp tinh gọn bộ máy