Chưa khi nào việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng lại được triển khai đồng bộ như lần này, điều này thể hiện cao độ cho tinh thần đại đoàn kết, là mục tiêu, là tiền đề thúc đẩy cho công tác phối hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần: Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.
Ngày 30/3, tại hội nghị kiểm điểm thực hiện Quy chế phối hợp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ, rất nhiều ý kiến đã khẳng định, năm 2015 là một năm hoạt động sôi nổi và hiệu quả trong công tác phối hợp giữa hai bên.
Chưa khi nào việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng lại được triển khai đồng bộ như lần này, điều này thể hiện cao độ cho tinh thần đại đoàn kết, là mục tiêu, là tiền đề thúc đẩy cho công tác phối hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần: Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động.
Hội nghị khẳng định, rất nhiều đầu việc được hai bên cơ quan phối hợp thực hiện tốt theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chương trình giám sát. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các chương trình giám sát của Mặt trận không chỉ dừng lại ở giám sát mà còn là kiến nghị đi cùng, do đó, nhiều bất cập tồn tại trong công tác Chính phủ đã được điều chỉnh kịp thời thông qua những kiến nghị Mặt trận. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp giữa Mặt trận và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 trên 2.070.812 đối tượng.
Từ cuộc Tổng rà soát này, Mặt trận và Chính phủ đã trả lời được câu hỏi trước nhân dân là hàng chục năm nay chúng ta đối xử với người có công có đúng không. Kết luận 95,75% là đúng (1.982.769 người), 4,16% là chưa đầy đủ ( 86.201 người) và chỉ có một số ít chiếm 0,09% là hưởng sai chính sách (khoảng 1.872 người). Đặc biệt, thông qua cuộc Tổng rà soát này, 63.768 trường hợp xưa nay không hề đăng ký làm hồ sơ xét duyệt đã làm hồ sơ đăng ký.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi
với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Với cách thức tổ chức chặt chẽ, khoa học, chương trình Tổng rà soát đã huy động sức mạnh nhân dân với 200 nghìn tình nguyện viên cùng tham gia giám sát. Những thành công này là tiền đề quan trọng để Mặt trận lấy đó làm kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ trong công tác giám sát khác, đặc biệt là giám sát an toàn thực phẩm- đề án đã được Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tại hội nghị.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong năm 2016 là giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, coi đó là một trong những tiêu chí nhằm góp phần xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại được xã hội quan tâm đặc biệt như hiện nay. Theo công bố của các tổ chức quốc tế, mỗi năm Việt Nam có trên 100 ngàn người mắc bệnh ung thư, phần lớn có nguyên nhân từ môi trường sống và từ việc sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã từng rất trăn trở với vấn đề này khi cho rằng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xem là một “cái nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước cũng là “cái nợ” của MTTQ với nhân dân.
“Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn” điều khẳng định của người đứng đầu Mặt trận cũng là quyết tâm của Mặt trận và Chính phủ để từ năm 2016 thực hiện giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ, phải vận động nhân dân rồi mới tiến hành giám sát. Vì muốn giám sát thì phải vận động được tất cả những người sản xuất ở các địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại hội nghị.
“Để làm được việc này, lực lượng các cấp cùng chịu trách nhiệm và phải có phân cấp. Trung ương làm gì. Địa phương làm gì. Nông dân nếu là phụ nữ, Hội phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm vận động, hướng dẫn. Người sản xuất thực phẩm là cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh phải có trách nhiệm. Đặc biệt, giám sát còn phải phối hợp với thanh tra. Nếu giám sát mà không có thanh tra thực thi thì không đạt được hiệu quả như mong muốn” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, nhiều kiến nghị của Mặt trận đều được Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ. Đồng thời liên tục có kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nói trên cho thấy tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của Chính phủ đối với những kiến nghị của Mặt trận.
Còn nhớ, vẫn tinh thần này, hồi đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012. Với chức năng giám sát của Mặt trận, trong hơn một năm, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của Trung ương khảo sát nhiều mô hình hợp tác xã trong và ngoài nước. Cũng chính từ những chuyến khảo sát này, người đứng đầu Mặt trận đã đăng đàn nhiều lần từ nghị trường Quốc hội, đến các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để bàn về câu chuyện: Hợp tác xã kiểu mới- một trong những bài toán nhằm gỡ khó cho nông nghiệp.
Nỗ lực của người đứng đầu Mặt trận đã tạo nên hiệu ứng và lan tỏa tại kỳ họp Quốc hội, trong các phiên họp Chính phủ, khi nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình. Tiếp thu những kiến nghị của Mặt trận đồng thời để bảo đảm Luật Hợp tác xã 2012 được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy hiệu lực trong thực tiễn, trong Chỉ thị số 19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị MTTQ Việt Nam tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã. Trong đó nhấn mạnh tới việc nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả; Tạo điều kiện cho HTX hưởng các chính sách hỗ trợ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật HTX.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Như vậy, từ Chỉ thị số 19 đến nhiều kết luận sau này của Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện Thông báo số 68 về kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, thêm một lần nữa khẳng định tinh thần của công tác phối hợp giữa hai bên: Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, từ khi có Luật Mặt trận và Quyết định 217, Thủ tướng Chính phủ chính là người thường xuyên động viên Mặt trận phải thực hiện nhiệm vụ giám sát, và việc đầu tiên chính là Tổng rà soát giám sát chính sách cho người có công. Với những kết quả tốt đẹp từ cuộc tổng rà soát này, năm 2015, Mặt trận đã chủ trương chuyển giao một số nhiệm vụ giám sát về các địa phương. Năm 2016, Mặt trận sẽ ban hành sổ tay giám sát của Mặt trận dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn các địa phương.
Cũng trong năm 2016, Mặt trận và Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện một số chương trình phối hợp như giám sát khiếu nại tố cáo ở cơ sở, giám sát kết quả cải cách hành chính thủ tục thuế, hải quan, tiếp tục khảo sát những mô hình của các tôn giáo tham gia khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/ AIDS. Đặc biệt theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, công tác phối hợp giữa hai bên cơ quan sẽ chú trọng vào việc xây dựng đề án và tổ chức phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi”. Đồng thời, Mặt trận cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục khảo sát đánh gía sự hài lòng của người dân.
Trân trọng những đóng góp của Mặt trận với Chính phủ trong một năm qua và nhìn xa hơn là 5 năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, bên cạnh những việc đã làm được cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trước nhân dân để làm sao trọng tâm phối hợp trong thời gian tới, hai bên cần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Muốn xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, Thủ tướng mong mỏi, Mặt trận cần tăng cường hơn nữa công tác vận động nhân sĩ trí thức, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong xã hội và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia Mặt trận tổ quốc không chỉ ở trung ương mà còn ở các cấp thì vai trò uy tín của Mặt trận trong xã hội mới được nâng lên hơn nữa, từ đó góp phần tạo khối đại đoàn kết toàn dân.
“Đại đoàn kết là để chung sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây cũng là mục đích cuối cùng của Đảng, Nhà nước của cả dân tộc Việt Nam hướng tới” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Muốn có đại đoàn kết, Thủ tướng cho rằng, Mặt trận còn phải phối hợp tăng cường tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước. Tạo đồng thuận chính là tạo được đại đoàn kết.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Đặc biệt là sự phối hợp triển khai thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2016 có trọng tâm trọng điểm trong từng thời gian. Trong đó Thủ tướng lưu ý, Mặt trận cần được những phong trào thi đua yêu nước một cách thiết thực,không cứng nhắc. Hơn nữa là sự phối hợp nhằm phát huy quyền dân chủ của dân thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận.
“Chúng ta có một Đảng lãnh đạo nhưng chúng ta lại có một cơ chế chính trị là người dân giám sát, người dân phản biện thì Mặt trận phải phát huy quyền làm chủ của dân để giám sát nhà nước, để thực hiện quyền con người, quyền công dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Ông Hà Văn Núi.
Ông Nguyễn Đắc Vinh.
Ông Nguyễn Túc.
Ông Nguyễn Khắc Định.
Dạ Yến
Ảnh:Hoàng Long