Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng 3 năm qua, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bến Tre vẫn đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Ngày 26/8, tại TP Bến Tre, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ đại hội đại biểu MTTQ VN tỉnh Bến Tre khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Bến Tre cho biết Nghị quyết Đại hội Đại biểu MTTQ VN tỉnh Bến Tre khóa IX nhiệm kỳ 2019-2022 được triển khai trong bối cảnh đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2020 đến những tháng đầu năm 2022, có nhiều khó khăn, thách thức do tỉnh phải trải qua đợt hạn mặn khốc liệt, đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã tác động tiêu cực, nhiều mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống, kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre.
Cũng theo bà Nhung, kết quả 3 năm vừa qua, MTTQ VN tỉnh Bến Tre đã tích cực thực hiện các tiêu chí đề ra như tuyên truyền, vận động, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được MTTQ VN các cấp và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện. Trong đó, tập trung cao cho việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác giáo dục truyền thống, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật từ trong nội bộ đến Nhân dân.
Mặc dù bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn kéo dài (2019-2020), dịch bệnh Covid-19 (2020-2022), nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình, MTTQ VN các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp tuyên truyền vận động và được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng các công trình, phần việc trong xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 280 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 40 tỷ đồng và trên 63.000 ngày công lao động, kết quả đến nay, có 80 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao) có nhiều mô hình tiêu biểu.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN các cấp cùng các tổ chức thành viên tham gia vận động, tiếp nhận kinh phí trên 11 tỷ đồng, để xây dựng mới trên 610 căn nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách khó khăn với số tiền trên 31 tỷ đồng; tặng 31.329 suất quà, với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng; vận động khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 2.550 lượt đối tượng người có công tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, công tác chăm lo cho người nghèo cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Cụ thể, qua 3 năm quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp ở Bến Tre tiếp nhận được số tiền 142 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên đã chi hỗ trợ xây dựng 1.232 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, mái ấm công đoàn; chi hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; chi hỗ trợ sinh kế (cây, con giống)… với tổng số tiền 115,3 tỷ đồng.
Song song với các hoạt động, các tổ chức thành viên cũng tích cực tham gia nhiều phong trào ý nghĩa, thiết thực. Như Hội Nông dân tỉnh Bến Tre với phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu, Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội Cựu chiến binh với phong trào giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi, với mô hình “Câu lạc bộ giảm nghèo”, mô hình “5+1” (5 hộ hội viên khá giúp 01 hộ hội viên nghèo), mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn nghĩa tình”...
Bên cạnh những thành tích đạt được, bà Hồng Nhung cũng cho biết MTTQ VN tỉnh Bến Tre còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân có lúc, có nơi chưa được sâu rộng, một số phong trào triển khai nhưng chưa duy trì thường xuyên, thiếu bền vững, chưa huy động được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia. Hay như công tác giám sát và phản biện xã hội được hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, chưa nắm rõ quy trình và nội dung phản biện, đặc biệt là cấp huyện, cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội.