Nhân kỷ niệm 80 năm Báo Đại Đoàn Kết, bạn đồng nghiệp ở Báo gọi điện mong được đọc một bài viết về ký ức của một phóng viên chiến trường không chỉ thời kháng chiến chống Mỹ mà còn tham gia cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, tôi lưỡng lự mãi vì không phải thiếu kỷ niệm mà ngại nói về mình. Nhưng rồi không biết thôi thúc bởi điều gì, tôi gõ chữ một mạch vài trang trong bao nhiêu chuyện không thể quên cả một đời viết báo…
1. Báo Giải Phóng có bốn người “tà ru”, là Tổng Biên tập Hai Khuynh, họa sĩ Dũng Tiến, phụ trách tư liệu Xuân Huy, phóng viên Phương Hà. Hai Khuynh “tà ru” từ năm 1967, ba người còn lại “tà ru” mới toanh, gần cuối mùa khô 1973.
“Tà ru” - tù ra mà được về làm phóng viên Báo Giải Phóng như tôi quả là “ngoài sức tưởng tượng”! Số là sau khi được trao trả tù binh ở sân bay Thiện Ngôn, Bắc Tây Ninh, tôi viết một loạt bài về nhà tù của Mỹ và chính quyền Sài Gòn và lên án không lực của họ đánh phá những vùng do Mặt trận kiểm soát sau Hiệp định Paris 1973, cho ba cơ quan truyền thông chủ yếu thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, cũng là viết cho thỏa ngòi bút sau mấy năm bị đối phương giam cầm, nên được Tổng Biên tập Hai Khuynh gọi về làm phóng viên. Có lẽ đều là dân “tà ru”, lại viết khá, nên tôi được ông Hai “cưng”, cử xuống Vành đai Bình Đức vào cuối mùa mưa 1973.
Cấp trên đã liên lạc với đường dây giao liên vũ trang nên tôi được một cô gái tên Sáu đón ở bờ nam sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận Đức Huệ, tỉnh Long An. Dù đã quen với chiến trường Trị - Thiên - Huế vô cùng ác liệt, nhưng khi chuẩn bị băng Đồng Tháp Mười, tôi vẫn hồi hộp.
Đã hết một buổi chiều mà chiếc xuồng của chúng tôi chưa đi được bao xa do máy bay trinh sát L19 của đối phương không ngừng quần thảo. Sáu phải neo xuồng giữa rừng tràm, cách tỉnh lỵ Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) một tầm chèo mỏi tay. Chưa tối hẳn mà muỗi đã kêu át cả tiếng gió xôn xao đồng nước. Sáu nhóm bếp giữa lòng xuồng, vừa nấu cơm vừa hun muỗi, rồi bẻ hai nhánh tràm buộc dây câu, bảo tôi lấy trứng kiến vàng trên ngọn tràm làm mồi. Sáu nói: “Cơm chín là dư cá ăn”.
Tôi đã nghe những đồng chí ở Đồng bằng sông Cửu Long công tác tại R (chiến khu C, Bắc Tây Ninh) nói ở Đồng Tháp Mười “cá lền nước như bánh canh”, nhưng khi hai tay một lúc giật hai cần câu cho Sáu gỡ cá lóc, cá rô, cá chốt, tôi mới tin họ không dóc tổ. Cơm vừa sôi, Sáu bảo tôi không câu nữa, đã thừa ăn, cứ rộng cá giữa đồng cho nó tươi!
Tối đó chúng tôi không đi được. Có thể Sáu biết đâu đó trên một cung đường giao liên giữa Đồng Tháp Mười có địch phục kích.
Vất vả, hiểm nguy, nhưng sau một tuần tôi đã tới được Ban chỉ huy Vành đai Bình Đức. Khi tôi đến, quân dân ở đây đã trải qua 7 năm đánh địch và tránh địch. Tôi được các đội du kích cho theo phục kích đối phương, được bà con bao bọc trong mấy tháng trời nên đã hoàn thành những bài báo sếp Hai Khuynh giao.
Chiếc xuồng giữa xôn xao mùa nước nổi và tinh thần xả thân cho giang sơn thu về một cõi của lực lượng vũ trang và nhân dân Châu Thành đã vĩnh viễn neo vào ký ức tôi một thời chiến tranh làm phóng viên Báo Giải Phóng...
2. Đầu tháng 2/1979, tôi tháp tùng Tổng Biên tập Lê Điền đi viết về Cà Mau. Hai thầy trò lang thang qua các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn rồi dừng ở Đất Mũi - huyện Ngọc Hiển. Trưa ngày 17/2, Huyện ủy Ngọc Hiển mời cơm Tổng Biên tập Lê Điền thì được điện từ Hà Nội báo, sáng sớm nay, 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã bị xâm lăng. Bữa tiệc phải bỏ dở vì tâm trạng ai cũng nặng nề âu lo. Sếp Lê Điền đăm chiêu hút thuốc, vẫy tôi đến bảo, cậu phải ra Hà Nội, xin giấy giới thiệu lên biên giới ngay.
Gần hai tháng đi từ Lạng Sơn lên Hà Giang, quay lại Tiên Yên, Cao Ba Lanh, Quảng Ninh, tôi viết được khá nhiều chuyện về chiến sĩ, sĩ quan, thanh niên xung phong trên tuyến đầu bảo vệ biên cương, về tội ác của giặc đối với đồng bào ta. Giặc Mỹ thì dùng bom pháo hủy diệt, và giặc lần này thì thâm hiểm đến mức, ở bất cứ nơi đâu lấn chiếm được, chúng đều ném từng lạng bộc phá, dùng túi ni lông phủ từng gốc chuối sau khi đã phạt ngang để cây chuối không thể sống.
Ở Cao Ba Lanh, tôi được tiếp xúc với một đại đội thanh niên xung phong, toàn những cô gái trẻ của Đồng bằng sông Hồng. Không như sự mạnh dạn của những cô gái thanh niên xung phong Bắc miền Trung thời kháng chiến chống Mỹ, những cô gái sửa đường, tiếp tế quân nhu cho bộ đội trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc luôn tế nhị và ý tứ trước người lạ, nhưng họ đều giống nhau là vì tình yêu Tổ quốc mà không quản thân gái dặm trường.
Chính trị viên đại đội thanh niên xung phong giới thiệu tôi viết về Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hạnh. Hạnh không nói nhiều về mình mà kể những công việc thường nhật của đồng đội, như hai, ba giờ sáng, có lệnh là ào dậy vác đạn lên chốt, mưa lớn, suối chảy xiết vẫn bám dây mây cõng bột mì, gùi muối cho bộ đội, mưa phùn, rét căm căm vẫn bấm từng bước chân trên những con dốc trơn trượt tải nước lên tuyến trước…
Bài báo viết về Hạnh tôi gửi cho gia đình em ở vùng quan họ Kinh Bắc, bên bờ sông Cầu. Từ đó đến nay, đã 42 năm, gia đình Hạnh vẫn coi tôi là người không họ hàng mà thân thiết như những liền anh liền chị…