Là một người mẹ hoạt động trong các lĩnh vực năng động như báo chí và giáo dục, MC Huỳnh Giao may mắn được tiếp cận, học hỏi và góp nhặt rất nhiều những quan điểm và tư duy nuôi dạy con thời hiện đại.
Từ đó, chị đọc thêm sách, gặp thêm chuyên gia, nghe thêm những podcast chăm sóc trẻ, quan sát kinh nghiệm dân gian, quan trọng nhất là chú ý vào con mình và tự rút ra cho mình quan điểm làm mẹ phù hợp nhất với con mình.
PV: Nhiều năm qua, chị chú tâm đến việc chăm sóc dạy dỗ con, nhưng theo cách thoải mái tự nhiên, là bên con, và cùng con trải nghiệm rất nhiều điều thú vị?
MC HUỲNH GIAO: Từ ngày có con, tôi gần như sắp xếp lại hẳn một chương mới cho cuộc đời mình. Chương này với tôi đặc biệt ý nghĩa khi tôi xác định mình sẽ “lớn lên cùng con”. Tôi bắt đầu cân đối công việc, học tập và bên con. Làm sao để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào của con trong quá trình lớn lên.
Tôi ý thức được con chỉ một lần lớn lên và tôi có vai trò quan trọng trong việc đồng hành với con mình, vì vậy, nhiều thứ luôn được xếp sau hạng mục “bên con” của tôi.
Tôi hạn chế đi sự kiện dài ngày, hạn chế đi tỉnh xa khi con còn bé, tôi trân trọng từng phút giây bên con; cùng con đọc sách từ khi bé Bắp nhà tôi mới vài tháng tuổi, vừa biết chú ý màu sắc; cùng con bơi lội nâng cao sức khỏe; cùng con làm việc nhà; cùng con đạp xe đạp, trượt patin quanh khu nhà ở; cùng con tâm sự về những điều diễn ra trong ngày trước khi đi ngủ, đều đặn…
Mùa hè là dịp bố mẹ dành thời gian cùng các con, đưa các con về quê thăm ông bà họ hàng, tham gia các chuyến đi dã ngoại hay chương trình hoạt động xã hội ý nghĩa, đây cũng là thời gian gia đình được quây quần sum họp bên nhau. Tuy nhiên, ngày nay, mùa hè đang mất dần ý nghĩa khi các con phải tập trung vào việc học thêm, hay vùi đầu ngày ngày chơi game trên máy tính, điện thoại…
Mỗi khi hè tới, chị đã bên cạnh con như thế nào để con có một kì nghỉ ý nghĩa?
- Hiện tại, bên cạnh vai trò MC, tôi hoạt động chủ yếu ở vai trò giảng viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, lý do chính là vì tôi muốn có mùa hè cùng con mình.
Mùa hè của mẹ con tôi rất “rực rỡ” với rất nhiều kế hoạch: đi chơi biển vì Bắp thích cát, ốc, các sinh vật biển; đi chơi núi vì nơi đó Bắp trải nghiệm những điều mới với thiên nhiên; đi về thăm nội, ngoại; đi gặp bạn bè cũ và mới; đi theo mẹ tham gia các hoạt động mở rộng của các anh chị sinh viên; đi học các lớp kỹ năng như đàn, vẽ, múa ballet, nhảy dance sport…
Trong đó có các chuyến du ngoạn với thiên nhiên?
- Vâng, du ngoạn thiên nhiên, khám phá những vùng đất mới là điều cả hai mẹ con đều rất thích thú. Mùa hè này, Bắp đã đi được Đà Nẵng, đi tham quan các di tích ở Kinh thành Huế, đi Nha Trang tắm biển và trải nghiệm những hoạt động gắn liền với biển, đã về quê thăm bà...
Mỗi lần đi đến một vùng đất mới, Bắp được hiểu thêm về đất và người nơi đó. Mẹ luôn tạo điều kiện cho Bắp được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, thói quen lao động, sinh hoạt của người dân bản địa và song song đó là cho con thăm cảnh đẹp ở nơi mình đến. Dự định của Bắp mùa hè này là cùng mẹ về thăm quê hương thứ hai của mẹ TP Gia Nghĩa, Đắk Nông, sau đó Bắp sẽ trải nghiệm cuộc sống của ngư dân ở đảo Phú Quý, Bình Thuận...
Đồng thời, chị cũng khéo léo gắn kết con với ông bà nội ngoại, quê hương ra sao?
- Tôi quan niệm, mỗi người đều phải nhớ về nguồn cội, phải rèn luyện đạo đức trước khi trở nên giỏi giang và trưởng thành. Vì vậy, việc đưa con về thăm ông bà nội, ngoại và kết hợp thăm quê hương là kế hoạch sẵn có của hai mẹ con. Ông bà nội có Bắp là cháu đầu tiên nên đặc biệt yêu thương Bắp và Bắp cũng hiếu kính với ông bà rất nhiều. Còn về ngoại thì Bắp đã có thể giúp ngoại các việc nhà vừa sức và thích nhất theo ngoại ra thăm vườn trái cây sau nhà.
Qua đó, con chị đã học hỏi, trưởng thành hơn và không bị cuốn vào các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại?
- Dường như mỗi chuyến đi dù ít ngày hay dài ngày, với Bắp, đều là những trải nghiệm ý nghĩa và con trưởng thành trông thấy. Bắp lễ phép hơn với mọi người, biết quan sát, giúp đỡ người lớn tuổi. Bắp hòa đồng, yêu thương và chia sẻ, nhường nhịn với các anh chị em đồng trang lứa trong các cuộc vui chơi trẻ con.
Bắp biết cảm ơn, xin lỗi như một phản xạ. Bắp biết nhớ ơn ông bà đã khuất, Bắp hiểu được quy luật của sinh, lão, bệnh, tử khi mẹ giải thích. Bắp biết yêu thương động vật: chó, mèo, gà, vịt, cả cá cảnh Bắp cũng rất yêu thương...
Bật mí là tới thời điểm này, Bắp khác bạn bè ở một điểm là không phụ thuộc vào thiết bị điện tử nào. Điện thoại, máy tính bảng, laptop của mẹ, Bắp gần như không được tùy tiện sử dụng và Bắp cũng không quá quan tâm đến các vật ấy. Bắp sẽ được xem một số phim hoạt hình ở tivi với khung giờ nhất định và không quá lâu. Bắp rất thoải mái với điều đó vì lúc rảnh Bắp đọc sách cùng mẹ, sẽ vẽ, chơi búp bê, dán sticker hoặc chơi cùng các bạn ở xung quanh.
Về quan điểm chăm sóc con trẻ, tôi chưa thấy sự cần thiết khi con trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thay cho tất cả các thú vui, trò chơi rất đúng tuổi của con. Vì vậy, việc đưa cho con chiếc điện thoại tự chơi để mình được rảnh tay là điều tôi chưa từng làm. Tôi thích chơi, giao tiếp với con mình thay vì để con chơi với thiết bị điện tử.
Để các con có tuổi thơ hạnh phúc, với tinh thần tích cực và đầy yêu thương, chia sẻ, là trách nhiệm chính từ bố mẹ ra sao, thưa chị?
- Tôi cho rằng, muốn con hạnh phúc, chính bản thân ba hoặc mẹ phải hạnh phúc từ nội tại. Niềm hạnh phúc này không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan nào mà là do sự vững mạnh của sức khỏe tinh thần và thể chất. Tôi nhận ra rằng khi mình làm được điều đó thì chính con tôi cũng đang thừa hưởng giá trị này.
Con biết yêu bản thân, biết tự chăm sóc bản thân mình, biết quan tâm đến thế giới và những người xung quanh, biết ơn và yêu thương tất cả mọi người và muôn loài. Điều này, tôi không dạy con mà tôi hành động để con cảm nhận và tự học tập theo. Vì thế, khi sinh con ra, mỗi người ba, người mẹ đều như được sinh ra một lần nữa để hoàn thiện bản thân mình, làm nơi cho con soi rọi, noi theo.
Chị có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của sự giáo dục chăm sóc từ bố mẹ, đến sự phát triển của con?
- Tôi đọc và tâm đắc với một chia sẻ khá hay, ý nghĩa như thế này: Ba mẹ yêu con chưa chắc con hạnh phúc nhưng ba mẹ yêu nhau chắc chắn con hạnh phúc. Điều này nói lên rằng một cái nôi gia đình khỏe khoắn, sự gắn kết gia đình bền chặt và sự tôn trọng được đặt lên hàng đầu trong quan hệ gia đình thì đó chính là nơi ươm mầm cho những đứa con hạnh phúc và phát triển đúng hướng.
Nói như thế, theo tôi, không phải cứ gia đình đủ ba mẹ thì con sẽ hạnh phúc, mà gia đình đó dù đầy đủ hay khuyết, điểm mấu chốt là phải có tình yêu thương. Trẻ con học tập rất nhanh mà chúng ta không cảm nhận được hết tốc độ.
Điều chúng ta cần làm là trở thành những người có trái tim ấm nóng đầy tình cảm, có lòng trắc ẩn. Có như thế, chúng ta mới biết trân trọng tất cả mọi điều trong cuộc sống, yêu thương mọi người. Và con sẽ lớn khôn từ những tấm gương sống động đó, từ hành vi, thái độ và tình cảm của chính chúng ta.
Xin cảm ơn chị!