Vốn là người yêu cái đẹp, chị Vũ Thùy Dương (37 tuổi, Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội) nghĩ cách "thổi hồn" dòng tranh dân gian lên các mặt đồng hồ và biến tấu chúng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật.
Yêu thích dòng tranh dân gian
Nhằm khẳng định sức sống trường tồn và giá trị đích thực của dòng tranh cổ truyền Việt Nam, khoảng gần một năm nay, chị Dương nghĩ cách “thổi hồn” dòng tranh của dân tộc lên mặt đồng hồ. Những tác phẩm chị làm ra khiến người xem xuýt xoa không chỉ bởi độ tinh xảo, đẹp mắt mà còn góp phần đem nghệ thuật tranh dân gian đến gần hơn với đời sống thường nhật.
Nói về niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật vẽ tranh dân gian trên mặt đồng hồ, chị Dương cho biết: “Bắt đầu từ việc chồng tôi làm sản xuất dụng cụ điêu khắc kim loại, hàng ngày tôi nhìn ngắm những chiếc đồng hồ vẽ tinh tế vì thế mà đem lòng yêu thích, từ đó tôi nuôi ước mơ được tự tay vẽ những thứ mình yêu thích lên mặt đồng hồ”.
Trong toàn bộ chất liệu để tạo nên một mặt đồng hồ, mỹ thuật dân gian là chủ đề khơi nguồn cảm hứng bất tận cho chị Dương. Theo chị, chất liệu dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của người Việt. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay của thời gian, sự xuất hiện của các dòng tranh hiện đại, tranh dân gian đang dần bị mai một.
“Vì vậy, tôi mong muốn thông qua những tác phẩm của mình, người Việt có thể nhớ về dòng tranh này và thêm phần yêu thích những giá trị mà dòng tranh dân gian mang lại”, chị Dương nhắn nhủ.
Theo chị Dương, để những bức tranh dân gian nhìn có hồn chỉ với kích thước vỏn vẹn 30mm trên mặt đồng hồ, người nghệ nhân cần chú trọng vào khâu vẽ và phối màu.
Để giữ nguyên bản được giá trị của dòng tranh cổ truyền, chị Dương ưu tiên sử dụng những gam màu truyền thống. Tuy nhiên, chị thường nghĩ cách kết hợp thêm chất liệu vàng lá để mang đến sự sinh động và bắt mắt hơn cho chất liệu đặc biệt này.
“Dòng tranh dân gian không giống với những dòng tranh hiện đại ngày nay, bởi vậy yêu cầu cao hơn về tính thẩm mỹ, cách phối màu và truyển tải thông điệp qua bức tranh. Khó khăn lớn nhất khi mang tranh dân gian lên mặt đồng hồ đấy là giữ được "cái hồn" của tranh. Không đơn giản là sao chép tranh mà phải gửi gắm được cảm xúc vào bức tranh. Có như vậy, tác phẩm làm ra mới sinh động và hút mắt”, chị Dương nói.
Nghệ thuật vẽ trên mặt đồng hồ
Vừa ghép bức tranh ngũ hổ lên mặt đồng hồ, chị Dương vừa tâm sự, vẽ tranh trên giấy có rất nhiều người vẽ đẹp. Thế nhưng, vẽ trên mặt số đồng hồ với đường kính trên dưới 30mm thì lại là một lĩnh vực khác. Người họa sĩ ngoài khả năng vẽ cần có sự tập trung cao độ và cần sự cẩn thận, tỉ mỉ để không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Các thao tác được thực hiện dưới kính hiển vi để đem lại sự chính xác và tinh tế nhất.
“Lúc đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn và khá nản. Làm việc dưới kính hiển vi chưa quen cũng là một trở ngại. Rồi phải thử nghiệm hiệu ứng của các loại hoá chất mới trên chất liệu đặc biệt này để cho ra kết quả tốt nhất nữa. Thế nhưng, làm đi làm lại nhiều lần khiến tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm cho bản thân, dần dà, tôi tìm cách khắc phục những khó khăn”, chị Dương chia sẻ.
Vẽ điêu khắc trên mặt đồng hồ cần đến những dụng cụ vẽ rất nhỏ, hoạ cụ sẵn có, bút lông siêu mảnh. Thực tế mặt đồng hồ rất bé vì thế bộ dụng cụ cũng phải nhỏ để cho ra những đường nét tinh tế. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ phải vẽ bằng đầu bút kim loại với đường kính vỏn vẹn 0,08mm.
Những tác phẩm vẽ trên mặt đồng hồ đều được chị Dương thực hiện thủ công. Bởi vậy, giá trị sáng tạo và cảm xúc quyết định rất nhiều đến tính nghệ thuật cho tác phẩm. Ngoài ra, yếu tố kĩ thuật của người hoạ sĩ cũng là một yếu tố quyết định sự ấn tượng của tranh tiểu họa. Người vẽ cần căn cứ vào hình khối, hình dạng, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện để mường tượng ra ý tưởng mình cần họa trên đó sao cho phù hợp, tương xứng.
“Một bức tiểu họa thành công khi màu sắc, tạo hình của bức tranh có sự hài hòa với màu sắc và hình dạng, kích thước trên vật liệu”, chị Dương nhấn mạnh.
Trung bình chị Dương mất khoảng 10-15 ngày cho một sản phẩm hoàn thiện vì ngoài vẽ còn khảm đa vật liệu lên tác phẩm. Sản phẩm làm xong phải làm dây, phải lắp lên máy để thử... vì thế mất khá nhiều thời gian và công sức.
Mỗi sản phẩm làm ra chị Dương đều dành hết tâm huyết và cảm xúc, bởi vậy chị rất nâng niu những “đứa con” của mình. Với chị, bức đầu tiên vẫn luôn để lại cho bản thân những cảm xúc đẹp nhất. Đó là chiếc đồng hồ lấy cảm hứng từ bức hoạ kinh điển The kiss của Gustav Klimt. Bức tranh mang lại cho chị Dương cung bậc cảm xúc khó tả khi chiến thắng được bản thân, chinh phục được lĩnh vực mới mà mình luôn khao khát.
Mới đây, chị Dương vừa hoàn thiện xong bộ 5 chiếc đồng hồ "Ngũ hổ Thần Tướng". Bộ tranh lấy cảm hứng từ tranh Ngũ hổ, vẽ theo bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ dân gian chào đón Tết Nhâm Dần. Thông qua bộ tranh lần này, chị Dương mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hoá dân gian cũng như khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới.
Đến nay, chị đã thực hiện được gần 30 tác phẩm nghệ thuật vẽ trên mặt đồng hồ. Trong thời gian tới, để nuôi đam mê vẽ nghệ thuật trên mặt đồng hồ, chị Dương sẽ thử nghiệm thêm vài kĩ thuật vẽ mới, tìm hiểu vật liệu khảm và mở rộng nhiều chủ đề, tìm kiếm chất liệu để tác phẩm nghệ thuật thêm phần đa dạng, phong phú.