Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 9/5, các nhà khoa học thuộc Đại học Manitoba (Canada) cảnh báo con của những bà mẹ sử dụng nhiều chất làm ngọt nhân tạo trong thai kỳ có nguy cơ mắc chứng thừa cân, béo phì cao hơn hẳn so với những trẻ có mẹ không sử dụng loại phụ gia vốn luôn được quảng cáo là tốt cho sức khỏe này.
Ảnh minh họa.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 3.000 cặp mẹ con, gồm chế độ ăn uống của mẹ khi mang thai và chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ khi tròn 1 tuổi. Gần 30% số bà mẹ tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo khi mang thai.
Các nhà khoa học cũng loại trừ những yếu tố có thể ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ như giới tính của trẻ, cân nặng của mẹ, trẻ có được bú mẹ không và trong bao lâu... Kết quả cho thấy con của những bà mẹ uống thức uống có chất làm ngọt nhân tạo hàng ngày trong thai kỳ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì trong năm đầu đời cao gấp hai lần so với những trẻ có mẹ hoàn toàn nói “không” với các loại nước này.
Chất làm ngọt nhân tạo làm rối loạn cấu trúc và chức năng của các vi khuẩn trong đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu glucose. Việc sử dụng chất ngọt nhân tạo cũng không giúp giảm cân như quảng cáo mà ngược lại sẽ làm tăng nhu cầu đường của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Hiện nay, các thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo rất phổ biến, thường có trong các loại nước uống có gas, các loại ngũ cốc và đồ tráng miệng dành cho người lo ngại tăng cân hoặc rối loạn hấp thu đường. Ở Mỹ, khoảng 30% người dân sử dụng đồ ăn vặt có chứa chất ngọt nhân tạo.
Tạp chí y học The Lancet của Anh số ra mới đây cho biết số người lớn béo phì trên toàn thế giới là 650 triệu người, chiếm 13% dân số thế giới. Với tốc độ phát triển bệnh như hiện nay, tỷ lệ người béo phì sẽ tăng lên 20% dân số vào năm 2025.