Những bằng chứng di truyền cho thấy mèo được nông dân ở vùng Cận Đông và Ai Cập cổ đại thuần hóa từ 10.000 năm trước.
Mèo nuôi trong nhà được thuần hóa từ 10.000 năm trước bởi nông dân ở vùng Cận Đông và Ai Cập cổ đại. Ảnh: Omlet.
Để xác định chính xác thời gian và địa điểm mèo được thuần hóa lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Leuven, Bỉ, phân tích mẫu ADN lấy từ xương cốt có niên đại từ 100 đến 9.000 năm của 200 con mèo được khai quật tại các địa điểm khảo cổ ở Cận Đông, châu Phi và châu Âu.
Những phân tích di truyền học trong bài báo đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution hôm 19/6 cho thấy, mèo nuôi trong nhà có nguồn gốc từ mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica), phân loài mèo sống ở vùng Cận Đông và Ai Cập.
Nông dân vùng Cận Đông 10.000 năm trước có thể đã chấp nhận sự có mặt của mèo rừng, vì chúng bảo vệ hạt giống của họ khỏi các loài động vật gặm nhấm.
Theo thời gian, mối quan hệ giữa mèo và con người đã làm thay đổi dần bộ gene và hành vi của mèo rừng, từ đó phân loài mèo hoang dã dần trở nên bị con người thuần hóa.
Những nông dân di cư sau đó mang theo mèo nuôi trong nhà tới khu vực mới. Các thủy thủ cũng mang theo mèo trên tàu buôn để bắt chuột, giúp mèo thuần hóa nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, dọc theo các tuyến đường thương mại.
"Chúng tôi vẫn chưa rõ mèo nuôi trong nhà của người Ai Cập có được đưa tới từ vùng Cận Đông hay không, hay là chúng được thuần hóa riêng biệt ở Ai Cập", Claudio Ottoni, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.