Với một số người, ngay cả khi cơ thể đang khỏe mạnh nhưng vẫn có những nỗi lo âu thái quá về bệnh tật. Chỉ cần một sự bất thường nhỏ trên cơ thể cũng có thể khiến họ hoang mang và cho rằng mình gặp trọng bệnh.
Mệt mỏi vì hầu như tháng nào cũng phải đưa vợ đi khám bệnh tại các bệnh viện tuyến đầu, trong lúc đang chờ kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông V.T.H. (62 tuổi, ở Hải Phòng) chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu như tháng nào vợ tôi cũng đi khám tại bệnh viện ở địa phương, lần thì do hắt hơi sổ mũi, lần thì do đau người, đau đầu, khó ngủ. Lần nào các bác sĩ cũng cho biết đó là những vấn đề nhỏ. Thế nhưng, vợ tôi không yên tâm, thậm chí lo lắng đến mức mất ngủ. Chỉ đến khi khám ở các bệnh viện tuyến Trung ương và nhận được kết luận của các chuyên gia vợ tôi mới có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường”.
Tương tự, chị N.T.C. (39 tuổi, ở Hải Dương) kể: “Hơn nửa năm nay, cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn thay đổi vì cứ vài hôm là mẹ tôi lại đòi đi bệnh viện vì nghĩ mình sắp chết vì bệnh lao. Mặc dù được các bác sĩ chẩn đoán không có bệnh nhưng bà vẫn đi 4 bệnh viện trong một tháng để kiểm tra. Thực ra, bà cụ từng bị bệnh lao nhưng đã chữa dứt điểm cách đây 30 năm. Khoảng nửa năm trước, mẹ tôi có bị ho, đưa bà đến viện thăm khám, bác sĩ khám và cho chụp phim phổi, kết quả chỉ bị viêm họng. Thế nhưng, bà nằng nặc đòi chở đi bệnh viện lớn hơn vì nghĩ chắc chắn mình bị viêm phổi hay bệnh lao. Chuyện này chưa xong thì chuyện khác lại tới, tại một bệnh viện, mẹ tôi được các bác sĩ phát hiện mắc cao huyết áp, và thế là chúng tôi tại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn đưa cụ đi khám hết viện này tới viện khác, vì bà nghĩ bà mắc thêm bệnh tim”.
BS Nguyễn Trúc Quỳnh - Khoa Lâm sàng 1 (Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, đã gặp không ít bệnh nhân tương tự như những trường hợp nói trên. Một trường hợp nữ bệnh nhân 56 tuổi đến khám với tâm trạng buồn bã vì cho rằng mình bị ung thư da. Trước đó, nữ bệnh nhân này xuất hiện nốt đỏ ở mặt, vết này càng lan rộng và đi nhờ thầy cúng hóa giải bệnh ung thư da. Tuy nhiên, vết đỏ này ngày càng lan rộng trên mặt nên mới đi thăm khám tại bệnh viện. Sau khi thăm khám, cũng như đánh giá dựa trên các kết quả sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán loét do nhiễm trùng. Nhưng khi được giải thích tình trạng bệnh, nữ bệnh nhân vẫn chưa chịu chấp nhận, cho rằng mình bị ung thư da và yêu cầu bác sĩ hãy dùng các phương pháp dù đắt tiền cũng sẽ chi trả để điều trị bệnh. Ngoài hỗ trợ chăm sóc da cho bệnh nhân, các bác sĩ chuyển nữ bệnh nhân này đến khoa Tâm thần điều trị.
Theo các bác sĩ, những trường hợp nói trên có khả năng mắc phải chứng rối loạn lo âu. Trong chuyên ngành tâm thần, đây là căn bệnh thường hiệu quả điều trị rất tốt. Thế nhưng, nếu không đến đúng chuyên khoa thì không thể điều trị hiệu quả.
BS Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe thâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hầu hết những người này bị căng thẳng đưa đến hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa hay các bệnh lý về tâm thần khác như rối loạn ám ảnh. Hội chứng này thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, cụ thể là hội chứng trầm cảm gây tác động lên tim, dạ dày, giấc ngủ gây nên hồi hộp, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ... Khi điều trị không hết, người bệnh càng lo âu, nghĩ là mình mắc bệnh nan y, lâu dần dễ dẫn đến trầm cảm. Những trường hợp này cần phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần theo dõi điều trị bằng hóa dược kết hợp tư vấn tâm lý, rèn luyện tâm lý, tăng cường tập thể thao, thay đổi lối sống lành mạnh.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc lo lắng quá mức về sức khỏe có thể gây ra đau khổ thật sự cho người bệnh và sự trấn an không phải lúc nào cũng hiệu quả. Việc trấn an có thể làm cho người bệnh cảm thấy bực bội và gây căng thẳng cho các mối quan hệ. Vì vậy, nên khuyến khích người bệnh đến gặp bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ và tìm cách đối phó với rối loạn lo âu bệnh tật.
Rối loạn lo âu bệnh tật có thể khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sao nhãng công việc và giảm đi các mối quan hệ xã hội. Vì vậy điều cần thiết nhất ở những bệnh nhân này là đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.