Họ đã từng nghĩ bản thân là người duy nhất, nhưng giờ đây chính họ đã không còn đơn độc trên hành trình tìm kiếm công lý cho cuộc đời.
“Tôi đã nghĩ mình là người duy nhất”
Elisa Xolalpa là một nạn nhân của tấn công axit ở Mexico, cô đã có 3 con gái nhỏ và tìm được một công việc yêu thích, kể từ sau khi gã bạn trai cũ cố gắng hủy hoại cuộc đời Elisa bằng cách tạt axit khi cô mới chỉ 18 tuổi. Suốt hai thập kỷ, Elisa vẫn kiên trì tìm kiếm công lý cho bản thân mình.
Những nạn nhân sống sót như Elisa đang cùng nhau đoàn kết lại và lên tiếng đòi công lý ở Mexico, bất chấp tỷ lệ bạo lực cao ở quốc gia này và phần lớn thường nhắm vào phụ nữ.
Đầu năm nay, Quỹ Carmen Sánchez được thành lập tại Mexico nhằm hỗ trợ và vận động cải cách luật pháp cho những nạn nhân sống sót sau các vụ tấn công bằng axit. Cho đến nay, Quỹ đã được thông báo về 29 vụ tấn công, 5 vụ trong số đó đã xảy ra vào năm 2021, nhưng họ tin rằng đó chỉ là một phần rất nhỏ của con số thực tế.
Những nạn nhân sống sót đều mong muốn các cuộc tấn công axit nhằm vào họ bị xử theo tội “mưu sát phụ nữ”, và yêu cầu được hỗ trợ chi phí cho các cuộc phẫu thuật cũng như điều trị tâm lý. Họ muốn được nhìn nhận một cách thẳng thắn, mặc dù khuôn mặt đã bị tổn thương nặng nề.
Nỗi đau không chỉ riêng bản thân
“Mẹ, axit là gì vậy ạ?”, câu hỏi từ cô con gái Daniela 9 tuổi đã khiến Elisa im lặng. Cô nói với con gái rằng, axit là một chất lỏng mà họ sử dụng trong nhà kính và vô cùng nguy hiểm. Đã có một ngày, Daniela rời khỏi trường học trong nước mắt: “Những bạn khác nói với con rằng mẹ rất xấu xí, mẹ à, điều đó không hề đúng chút nào”, Elisa chỉ đành biết an ủi con gái trong đau đớn.
Elisa là một người phụ nữ có đôi mắt ngọt ngào. Cô thích trồng hoa trên chinampas (được gọi là vườn nổi tại châu Mỹ) xen kẽ giữa những con kênh ở quận Xochimilco, giống như cha mẹ cô đã từng làm. Bản thân Elisa hiểu được rằng, một ngày nào đó, cô sẽ phải giải thích với ba đứa con gái của mình về vụ tấn công đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô và trong một thời gian dài, đã khiến cô muốn chết.
Hành trình tìm lại công lý
Những ngày này, Elisa đang tập trung chuẩn bị tâm lý cho phiên tòa xét xử gã bạn trai tấn công cô mà cuối cùng đã bị bắt vào tháng 2/2021. Cô đã ba lần khiếu nại lên chính quyền và liên tục nhận được những lời đe dọa từ anh ta. Hiện tại, anh ta chỉ phải đối mặt với cáo buộc “bạo lực gia đình”, nhưng Elisa hy vọng tội danh đó sẽ giữ chân anh ta đủ lâu để cô khiến kẻ phạm tội phải nhận cáo buộc “mưu sát phụ nữ”.
Trong trường hợp của Elisa, cô bị trói vào một cái cột và bị tạt axit lên khắp cơ thể. Axit nhanh chóng làm phân hủy các sợi dây thừng cùng quần áo của cô. Elisa đã chạy ra đường để cầu cứu trong tình trạng bỏng nặng và phải trải qua hơn 40 cuộc phẫu thuật chỉnh hình.
Carmen Sánchez, người đã thành lập Quỹ mang tên mình, bị đối tác xông vào tạt axit khi cô đang ăn sáng cùng mẹ tại nhà riêng vào năm 2014. Ngay sau đó, hắn đã bỏ trốn, để lại Carmen đang sững sờ trong đau đớn khi da thịt ở cằm và ngực cô bắt đầu hòa vào nhau. Phái mất rất nhiều năm trước khi cô có đủ can đảm đứng lên lập ra Quỹ để bảo vệ cho chính mình cũng như những nạn nhân khác.
“Ngay từ đầu, tôi chỉ có hai lựa chọn: để bản thân chết đi - điều mà tôi đã nghĩ tới rất nhiều lần, hoặc nhìn vào những vết sẹo của tôi, từ trong ra ngoài và hiểu rằng đó là thực tại mà bản thân buộc phải chấp nhận,” Carmen nghẹn lời trước các nhà lập pháp khi nhận một giải thưởng từ Hạ viện Mexico.
Carmen nhấn mạnh rằng những người phụ nữ như cô không chỉ phải đối mặt với bạo lực từ những kẻ đã tấn công họ, mà còn từ “sự thờ ơ của xã hội, sự tự do của những kẻ phạm tội ngoài vòng pháp luật, sự đổ lỗi ngược từ dư luận cũng như sự phân biệt đối xử”.
Theo Tổ chức Tín thác Người sống sót sau Axit Quốc tế (ASTI), có cả trẻ em và đàn ông trong số những nạn nhân của các vụ tấn công bằng axit, nhưng 80% vẫn là phụ nữ. ASTI ghi nhận khoảng 1.500 vụ tấn công axit mỗi năm, nhưng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Jaf Shah, giám đốc của Tổ chức ASTI cho biết, các cuộc tấn công không giới hạn ở bất kỳ khu vực, tôn giáo hoặc nền văn hóa nào trên thế giới. “Nhiều cuộc tấn công có thể không được báo cáo,” Shah nói. “Nếu được báo cáo, nhiều khả năng họ sẽ bị xếp vào một tội danh khác.”
“Nhưng bây giờ chúng tôi không còn đơn độc nữa.”
Theo số liệu của chính phủ liên bang, chỉ trong nửa đầu năm, 1.879 phụ nữ đã bị sát hại ở Mexico và hơn 33.000 người bị thương. Hơn 10.000 vụ cưỡng hiếp và 24.000 vụ bạo lực đã được báo cáo lên chính quyền.
Vào tháng 6/2021, Elisa và những nạn nhân khác đã cùng nhau biểu tình trước văn phòng công tố thủ đô để gây áp lực khiến chính quyền phải giải quyết vụ việc của họ. Cô muốn chứng tỏ rằng, những người phụ nữ thực sự không hề yếu đuối, họ không cho phép xã hội này quyền bình thường hóa bạo lực và đó là những gì cô muốn dạy cho những người con gái của mình.
“Tôi phải biến nỗi đau này thành sức mạnh. Chúng tôi cần công lý và chúng tôi sẽ không im lặng thêm nữa.”