Lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu tự nguyện về nước từ nay đến hết ngày 30/11 sẽ được miễn phạt tiền và miễn hạn chế nhập cảnh vào Hàn Quốc theo chính sách ân hạn mới.
Quy định có lợi cho lao động đi làm việc ở Hàn Quốc
Đây là thông tin đáng chú ý vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông báo. Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo thực hiện chính sách ân hạn lần thứ hai năm 2024 đối với đối tượng là người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.
Theo chính sách này, người lao động nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước từ ngày 30/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024 sẽ được miễn phạt tiền và miễn hạn chế nhập cảnh vào Hàn Quốc (mức phạt tối đa 20 triệu Won (khoảng gần 350 triệu đồng) và cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong vòng 5 năm.
Chính sách này không áp dụng đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp sau ngày 30/9/2024, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội, người không thực hiện lệnh xuất cảnh...
Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong quá trình triển khai bản ghi nhớ về đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ năm 2016 đến nay, hai nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đơn cử như tuyển chọn, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, để người lao động nhận thức được việc tuân thủ pháp luật, hợp đồng lao động. Đồng thời, thực hiện ký quỹ. Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, hàng năm, hai bên sẽ rà soát để hạn chế tuyển chọn lao động tại một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, không được sang nước này làm việc. Trong những năm gần đây, số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước giảm dần theo lộ trình đã thống nhất giữa hai nước.
Người lao động cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo
Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, trong 2 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc thu hút nhiều lao động Việt Nam với trên 15.000 người xuất cảnh mỗi năm. Hiện số lượng lao động Việt Nam đang đứng đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc luôn đứng đầu trong những thị trường lao động thu hút nhiều người lao động Việt Nam trong thời gian qua do mức lương cao, chi phí xuất cảnh phù hợp và môi trường làm việc khá tốt. Riêng trong năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS là hơn 10.000 người, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 7 tháng đầu năm 2024, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc đạt gần 5.800 người.
Theo kế hoạch năm 2024, Việt Nam đưa khoảng 15.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh vấn đề thị trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, song tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại nước ngoài vẫn tái diễn. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cần liên hệ với các đơn vị uy tín để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết.
Riêng với thị trường Hàn Quốc, hiện nay lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này theo 4 kênh hợp tác, bao gồm: Chương trình EPS (thị thực E9); lao động chuyên môn kỹ thuật (thị thực E7); thuyền viên tàu cá (thị thực E10); và lao động thời vụ (thị thực C4 và E8).
Trong đó, với chương trình lao động thời vụ, hiện có 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động sang làm việc. Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong quá trình tiếp xúc, cán bộ Trung tâm luôn tư vấn cho người lao động các thông tin để tránh "bẫy" lừa đảo của những đối tượng đang trục lợi từ hoạt động này, song nhiều người lao động cả tin vẫn mắc phải.
Ông Thành cho rằng điều quan trọng nhất với người lao động khi lựa chọn thị trường đi làm việc cần tìm hiểu kỹ thông tin; tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp đưa đi; các chế độ quyền lợi; đặc biệt là tính pháp nhân pháp lý. Với những đơn vị được quảng cáo đưa đi với mức phí rẻ hơn, mà lại có yêu cầu và chế độ, mức lương tốt cũng cần cân nhắc, không nên vội tin tưởng. Ông Thành nhấn mạnh điều này không chỉ áp dụng với việc lựa chọn đơn vị phái cử đi làm việc tại nước ngoài mà đối với cả khi người lao động tham gia hoạt động tuyển dụng trong nước.