Kinh tế

Miền Tây: Khi trái cây rớt giá

ĐOÀN XÁ 01/08/2024 09:49

Vài tuần trở lại đây, khi một số loại nông sản chủ lực của nông dân Long An, Tiền Giang, Bến Tre… bước vào vụ thu hoạch chính, cũng là lúc giá cả giảm sâu tới hơn 50%. Nhiều nhà vườn dù đã lường trước sẽ bị giảm giá khi mùa thu hoạch đến nhưng vẫn không khỏi bất ngờ vì giá giảm quá sâu.

bai-tren.jpeg
Nông dân Long An gặp khó vì giá thanh long giảm sâu những tuần qua. Ảnh: Đoàn Xá.

Cụ thể, theo ghi nhận, hiện giá thanh long, loại trái cây chủ lực ở Long An, Tiền Giang đang ở mức rất thấp, đặc biệt là các mặt hàng loại 1 xuất khẩu đi nước ngoài. Vài tuần qua đang là vụ thu hoạch thanh long chính của hàng trăm nhà vườn tại khu vực này khiến nhiều nông dân thiệt hại đáng kể. Là vựa thanh long lớn thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bình Thuận), thanh long chủ yếu được trồng ở các huyện Châu Thành, Thủ Thừa, TP Tân An (tỉnh Long An) và Chợ Gạo, Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang). Tình trạng trái thanh long mất giá khi vào vụ thu hoạch không hiếm nhưng vẫn ảnh hưởng tới nhiều hộ nông dân, nhất là trong bối cảnh nhiều nông dân đang ồ ạt trồng sầu riêng. Mặc dù giá giảm sâu nhưng theo anh Nguyễn Văn Thông, 47 tuổi, chủ một vườn hơn 4 công thanh long ở xã An Lục Long (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, nông dân vẫn có lãi với mức giá như trên.

“Thanh long ruột đỏ tuần này họ thu mua với giá 12.000 - 15.000 đồng/kg. Nhà vườn nào bán hồi đầu tháng 7 thì giá được từ 15.000 - 20.000 đồng. Đây là mức giá thấp vì sau Tết, thanh long ruột đỏ lên tới 40.000 đồng/kg. Nghĩa là giá giảm tới 2 phần rồi. Mà đấy là thanh long loại 1, chứ loại 2 trái nhỏ, tai cụt thì giá hiện nay dưới 10.000 đồng/kg cũng phải bán thôi. Hiện giá thành sản xuất thanh long ruột đỏ ở mức 5.000 - 7.000 đồng/kg (từ năm thứ 3 trở đi). Vì thế, nên giá giảm nhưng nhiều hộ dân vẫn có lời, chỉ là giảm nhiều lợi nhuận so với tính toán ban đầu. Thêm nữa, những hộ dân mới trồng (năm thứ 1, 2) thì mức giá trên sẽ bị lỗ do thời gian đầu phải đầu tư nhiều” - anh Thông cho biết.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trên địa bàn hiện có 7.678ha trồng thanh long với sản lượng gần 108.000 tấn trong 6 tháng đầu năm. Diện tích và sản lượng thanh long ở Long An có tăng một chút so với cùng thời gian năm trước nhưng giảm nhiều so với mức đỉnh điểm (trước dịch Covid-19). Khảo sát giá thanh long hiện chỉ bằng 30-40% so với thời gian hồi tháng 3-4 trên địa bàn.

Tương tự, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Tiền Giang có vị trí giáp ranh với Long An cũng cho biết, thời gian này giá thanh long giảm và khó bán, trong khi đó, tiền thuê công nhân cắt trái, vận chuyển lại cao hơn. Những nhà vườn có vị trí nằm xa đường nhựa, xe tải lớn khó vào, phải thuê xe nhỏ thì chi phí thu hoạch còn cao hơn, khiến lợi nhuận bị giảm đi đáng kể. Với diện tích hơn 9.000ha, thanh long là một trong những cây trồng chủ lực của Tiền Giang nhưng lợi nhuận khá bấp bênh. Giá thanh long có thể lên, xuống chỉ trong thời gian ngắn khiến nông dân gặp khó.

Không chỉ thanh long, một loại trái cây khác là sầu riêng cũng đang giảm giá ở nhiều nhà vườn tại Tiền Giang, Bến Tre thời gian qua, đặc biệt là giống sầu riêng Musaking của Malaysia. Từng neo ở mức giá cao khoảng 150.000 -200.000 đồng/kg trong thời gian dài (năm 2023, 2024) nhưng khoảng 2 tháng gần đây, sầu riêng Musaking đã giảm giá mạnh, thậm chí chỉ cao hơn chút đỉnh so với sầu riêng Ri6, loại sầu riêng được nông dân trồng lâu năm ở các tỉnh miền Tây. Hiện sầu riêng này chỉ được thương lái thu mua ở mức 100.000 đồng/kg trở lại khiến nhiều nông dân miền Tây gặp khó do điều kiện trồng, chăm sóc giống sầu riêng này tốn kém hơn Ri6 rất nhiều. Được biết, hiện ở các tỉnh miền Tây chưa phải thời gian thu hoạch chính vụ sầu riêng và sầu riêng Musaking chủ yếu được trồng theo phong trào, có diện tích nhỏ so với Ri6. Tuy vậy, giá sầu riêng này giảm so với trước cũng khiến nhiều nhà vườn phải tính toán lại.

Có thể nói, dù là vựa trái cây lớn nhất cả nước nhưng nông dân nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ thường gặp khó khăn khi bước vào vụ thu hoạch do không chủ động được giá cả, thường xuyên bị ép giá và chịu thua thiệt. Trong đó những loại trái cây có diện tích trồng nhiều dễ bị ép giá nhất, bởi chính vụ sản lượng cung thường cao gấp nhiều lần nhu cầu nên nông dân không có lựa chọn nào khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây: Khi trái cây rớt giá