Mưa lớn trong suốt nhiều ngày qua đã khiến hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông Mã, thuộc các huyện miền núi của Thanh Hóa bị ngập trong nước. 1 người chết và 1 người bị mất tích, nhiều diện tích hoa màu, đường giao thông, đê kè bị ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng.
Nhiều điểm sạt lở trên Quốc lộ 15C đã thông tuyến.
Tuy nhiên, trong đêm ngày 3, sáng ngày 4/8, mưa lớn đã dứt, mực nước trên sông đã rút và các hộ dân trong vùng ngập lụt đã có thể trở về nhà.
Sáng 4/8, tổng hợp từ UBND huyện Quan Hóa cho biết, có 2 căn nhà của bà con trên địa bàn huyện cuốn trôi, 2 căn bị sụt lún nghiêm trọng và 52 căn bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ cũng khiến hơn 30m đường giao thông tại thị trấn Quan Hóa bị sạt lở, gây ra tình trạng giao thông bị tê liệt trong nhiều giờ, một cầu treo tại khu vực thủy điện Hồi Xuân bị cuốn trôi, vỡ đê quai của thủy Hồi Xuân và hơn 20 ha hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
Đến sáng 4/8, mưa lớn tại khu vực và thượng nguồn sông Mã đã giảm, mực nước trên sông đã rút xuống hơn 2m và người dân trong vùng ngập đã có thể trở về nhà để khắc phục hậu quả sau lũ.
'Ông Phạm Hồng Tia, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (Quan Hóa) cho biết: Mặc dù nước lũ trên sông đang rút nhưng do địa hình phức tạp, các bản của xã như Giá, Sa Lắng, Vôi với 1.609 nhân khẩu vẫn đang bị nước lũ cô lập, con đường độc đạo qua sông là những chiếc bè mảng đã bị lũ cuốn trôi.
'“Nếu ngày mai trời còn mưa, nước không rút hết thì chắc chắn người dân 3 bản này sẽ không đủ lương thực để sống. Chúng tôi đang tính đến phương án ngược đường rừng mang lương thực vào cho người dân” - ông Tia lo lắng.
Nhiều đoạn sạt lở trên các tuyến đê xung yếu đang trở thành
nỗi lo đối với người dân Thanh Hóa.
Gặp chúng tôi khi đang cùng 2 con thu dọn lại nhà cửa sau khi nước rút, chị Nguyễn Thị Phúc - thị trấn Quan Hóa cũng cho biết: Mặc dù nước lũ ngập sâu đến hơn nửa căn nhà nhưng do chủ động di chuyển nên hầu như mọi tài sản trong gia đình đầu không bị thất thoát do lũ. Tuy nhiên điều mà chị Phúc lo lắng là hơn 3 sào lúa ven bãi sông vẫn bị ngập sâu trong nước.
“Nếu nước rút chậm thì 3 sào lúa hè thu của gia đình xem như mất trắng. Trong khi lương thực cho cả gia đình đều chỉ trông chờ vào hơn 3 sào ruộng này!” – chị Phúc không dấu được vẻ lo lắng trong ánh mắt nói.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến tuyến đường độc đạo 15C nối huyện miền núi Mường Lát với các huyện miền xuôi bị sạt lở nghiêm nặng nề tại 3 điểm, khiến địa phương này rơi vào tình trạng bị cô lập trong nhiều giờ. Mãi đến chiều ngày 4-8, các điểm sạt lở này mới được khắc phục và thông tuyến.
Tại huyện Bá Thước, mưa lũ trong nhiều ngày qua đã khiến 1 người chết và một người bị mất tích, 5 căn nhà trên địa bàn toàn huyện bị hư hỏng, thiệt hại hơn 26 ha hoa màu.
Sáng 4/8, nhiều hộ dân trong vùng bị ngập tại huyện Quan Hóa đã trở về nhà.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng và thủy văn tỉnh cho thấy, từ ngày 5/8, thời tiết tại khu vực Thanh Hóa sẽ không còn mưa lớn kéo dài nên nước trên các sông sẽ rút nhanh.
Tuy nhiên, tại hai tuyến đê xung yếu gồm đoạn tả đê sông Chu (đoạn qua xã Thọ Trường, Thọ Xuân) lý trình từ K30 + 892 – K18 + 994 bị sạt 3 cung, cung lớn nhất có chiều dài là 24m và sâu vào chân đê đến 2m, vách đứng và đoạn tả đê sông Mã đoạn qua xã Hoằng Khánh cũng bị sạt lở nghiêm trọng… nếu không có phương án gia cố và khắc phục kịp thời, thì đây sẽ là điều đáng lo ngại cho người dân tỉnh Thanh Hóa nói chung trong mùa mưa bão năm nay.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, đá có thể xảy ra bất ngờ, UBND các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát, Cẩm Thủy, Bá Thước đã trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét, đồng thời tiến hành di dời người dân đến nơi ở an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại khu vực chòi rẫy, qua sông, qua suối khi có mưa lớn.