Miền Tây - tình đất, tình người

Q.Trung - T.Tiến 31/08/2023 11:10

Thông tin mới đây cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới đã phần nào khẳng định được lợi thế phát triển du lịch của ĐBSCL. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều loại hình du lịch, hòa mình với thiên nhiên sông nước…

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Lung Ngọc Hoàng ở Hậu Giang nhìn từ trên cao.

Đa dạng loại hình du lịch sinh thái

Không mang một vẻ đẹp kiêu sa, không có những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, thế nhưng với lợi thế về sinh thái, sông nước không vùng nào có được, miền Tây đang có sức quyến rũ và níu chân bất cứ ai yêu thích sự khám phá thiên nhiên, muốn hòa mình vào sự bình yên của miền sông nước. Đây cũng là lý do mà chuyên trang du lịch Traveller của tờ Sydney Morning Herald đã nhận định ĐBSCL là một trong những nơi hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2023.

Chị Thu Hương (34 tuổi) sống và làm việc tại Hà Nội, biết đến miền Tây qua điện ảnh, các video review trên mạng xã hội và những câu chuyện của bạn bè kể lại. Tháng 5 vừa qua, chị Hương quyết định dành một tuần để khám phá mảnh đất miền sông nước. Trước khi tới miền Tây, chị Hương luôn hình dung đây là vựa lúa, trái cây lớn nhất cả nước, những cánh đồng trải dài bát ngát, những vườn cây trĩu quả nhiều sắc màu. “Tuy nhiên khi đặt chân đến đây tôi bất ngờ hơn với khá nhiều điều kỳ thú ở vùng đất này” - chị Hương nói.

Ấn tượng đầu tiên của chị khi lần đầu đến miền Tây là không khí mát mẻ, trong lành cảm thấy như cởi bỏ được những gánh nặng cuộc sống và hoà mình vào cùng thiên nhiên. “Tôi đã đến thăm Rừng tràm Trà Sư (An Giang), vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu sinh thái Xẻo Quýt (Đồng Tháp), Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang)... Những nơi này có khung cảnh yên bình khiến cho con người muốn hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, nhất là khi di chuyển trên những chiếc xuồng, xuôi theo dòng nước một cách chậm rãi” – chị Hương chia sẻ.

Những vườn trái cây trĩu quả, to mọng, chỉ cần với tay một chút là có thể hái xuống để thưởng thức. “Trái cây ngon ngọt, trĩu quả có thể tận tay hái mang về ăn thì còn gì tuyệt vời hơn. Tất nhiên là phải trả tiền cho số trái cây đã hái nhưng tôi thấy giá rất rẻ và đặc biệt là rất tươi. Nhiều nhà vườn còn mến khách, nhiệt tình giới thiệu về cách trồng cũng như chăm sóc các loại cây ăn trái” – chị Hương kể thêm.

Dù chỉ có 1 tuần để khám phá miền Tây, chị Hương đã dành đến 2 ngày để đến Cà Mau – nơi cực nam của Tổ quốc. Tại đây chị đã có những trải nghiệm khó quên như theo chân nông dân bắt cua biển, săn cá thòi lòi, chèo xuồng len lỏi trong rừng đước vào ban đêm để bắt ba khía… Đặc biệt, là theo chân những người thợ lấy tổ ong rừng mang về vắt mật.

Cần Thơ là điểm tham quan cuối trong hành trình khám phá miền Tây của nữ du khách trước khi về Hà Nội. Tại đây, chị Hương đã trải nghiệm, tham quan Chợ nổi Cái Răng – nét đặt trưng của văn hoá sông nước miền Tây. Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu buôn bán các loại nông sản, trái cây, đặc sản của miền Tây và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định.

“Phong cảnh chợ nổi vào lúc bình minh rất nên thơ. Tuyệt vời nhất là lúc ngồi trên ghe thưởng thức tô bún riêu ngay giữa sông nước bồng bềnh. Ở đây trái cây rất nhiều, tôi cũng kịp mua mỗi thứ một ít ở chợ nổi để mang về Hà Nội làm quà cho người thân và bạn bè, trái vừa tươi lại rẻ nữa…” - chị Hương kể.

Về Cà Mau du khách được trải nghiệm bắt cua và bắt ong lấy mật.

Người miền Tây thân thiện, mến khách

Lần thứ 4 đi du lịch miền Tây, anh Thanh Ba (46 tuổi, ở Quảng Nam) cho rằng chính những nụ cười thân thiện, tấm lòng nhân hậu, mến khách của người dân miền Tây đối với du khách khiến anh rất yêu mến vùng đất này. “Mọi người rất thân thiện. Biết tôi là du khách ở phương xa đến nhưng họ không “chặt chém”. Khi hỏi thăm đường, dù tôi không mua hàng nhưng cô bán hàng vẫn nở nụ cười tươi tắn và chỉ dẫn nhiệt tình khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng…” - anh Ba chia sẻ và cho biết, đi du lịch miền Tây thì chắc chắn điều mà du khách không thể bỏ qua đó là, thưởng thức những món ngon đặc sản riêng có ở nơi đây như cá lóc nướng trui, lẩu mắm, gỏi bồn bồn, canh chua cá linh bông điên điển...

“Ẩm thực miền Tây mang một nét đặc trưng riêng, vô cùng khác biệt so với các vùng miền khác. Bạn có thể nếm được những vị chua, cay, mặn, ngọt từ vị giác và hơn thế nữa bạn còn cảm nhận được những hương sắc thiên nhiên đất trời của vùng đất này thông qua sự tươi ngon và đặc biệt của các món ăn” - anh Ba nhận xét.

Trải nghiệm du lịch sinh thái rừng tràm Lung Ngọc Hoàng ở Hậu Giang.

Miền Tây còn là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa nhất. Trong đó đặc trưng nhất là nền văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Chăm, Khmer. Minh chứng của sự giao lưu văn hóa này được thể hiện rõ ở những đền miếu, ngôi chùa lâu đời như: chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu); chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Vàm Ray, chùa Âng ở Trà Vinh…

Anh Ba cho biết, trong những lần tham quan, khám phá miền Tây anh đều dành thời gian đến các ngôi chùa để tìm hiểu thêm về văn hoá của các dân tộc.

“Một trong những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc với tôi là khi đến thăm chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu. Đây một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất ở miền Tây. Ngôi chùa có kiến trúc rất đẹp, màu sắc rực rỡ, nổi bật song vẫn rất trang nghiêm. Đặc biệt, tôi cảm thấy cuốn hút hơn khi được nghe giới thiệu về ý nghĩa của từng họa tiết tinh xảo trong ngôi chùa, thể hiện quan niệm về cuộc sống, phong tục, tín ngưỡng của đồng bào Khmer” - anh Ba chia sẻ.

Anh Thanh Ba và chị Thu Hương là hai trong số hàng triệu du khách đến với miền Tây đều có chung cảm nhận về mảnh đất sông nước hiền hòa, con người thân thiện, mến khách, trái cây đa dạng tươi ngon say đắm lòng người.

Những năm gần đây không chỉ du khách trong nước mà cả quốc tế đều có xu hướng trải nghiệm, lựa chọn các sản phẩm du lịch sinh thái, muốn hoà mình cùng với thiên nhiên, sông nước, chính vì vậy ĐBSCL được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Nhận thức được điều này thời gian qua các địa phương trong vùng tích cực đầu tư nhân rộng các loại hình du lịch sinh thái gắn với thế mạnh của địa phương.

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa khảo sát, bình chọn, công nhận và tái công nhận 14 “Ðiểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” tại 7 tỉnh, thành. Theo đó, 10 điểm du lịch mới được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận “Ðiểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2023” gồm: Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (An Giang), Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng (Bạc Liêu), Di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu, Ðiểm du lịch nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ; TTC Palace Bến Tre, Khu ẩm thực TTC Bến Tre (4 điểm thuộc Bến Tre); Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ, Khu di tích Gò Tháp (Ðồng Tháp), Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ao Bà Om và Khu du lịch sinh thái Huỳnh Kha (Trà Vinh). 4 điểm du lịch được tái công nhận là “Ðiểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2023” gồm: Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ðồng Tháp), Khu lưu niệm GS - Viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long và Bảo tàng Vĩnh Long (đều thuộc tỉnh Vĩnh Long).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây - tình đất, tình người