Ngày 7/10, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cho biết nước các sông trên địa bàn trong tỉnh đang lên. Trong 2 ngày tới, tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 7 đến hết ngày 10/10 phổ biến từ 300 – 500 mm, có nơi trên 600 mm.
Trong đợt mưa này, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên cũng hứng chịu những trận mưa lớn, kéo dài tới ngày 17/10. Nước các dòng sông lên nhanh.
Do mưa lớn, kéo dài, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dao động ở mức báo động 2, trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 1, trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ xấp xỉ báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, một số thị tứ, thị trấn và các địa phương thấp trũng trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, tính tới cuối ngày 7/10, hầu hết các hồ thủy điện ở tỉnh Quảng Nam chưa tích đầy nước, chỉ riêng thủy điện Đak Mi 4 (huyện Phước Sơn) gần với mực nước đón lũ.
Cụ thể, mực nước hồ thủy điện A Vương ở mức 348,8 m (mực nước đón lũ 370 m), thủy điện Đak Mi 4 ở mức 244,1 m (mực nước đón lũ 251 m), thủy điện Sông Bung 4 ở mức 207 m (mực nước đón lũ 214 m), thủy điện Sông Tranh 2 ở mức 145,8 m (mực nước đón lũ 165 m). Hiện chỉ có thủy điện Đak Mi 4 xả nước qua tràn với lưu lượng 3,2 m3/s.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Còn tại Quảng Bình, ngày 7/10, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết: Do mưa lớn trong các ngày 6 và ngày 7/10, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh bị ách tắc vì nước lũ dâng cao.
Đặc biệt, ở huyện Minh Hóa nước lũ đã chia cắt ở nhiều địa phương. Cụ thể, tại cầu tràn Km46+909 thuộc đường tỉnh 559B, nước ngập 1,5 m gây tắc đường; tuyến đường nối từ Quốc lộ 12A vào Đồn Biên phòng Ra mai, bản Lòm, bản Ra Mai… nước ngập từ 1 đến 1,5 m; ngầm tràn xã Minh Hóa và các ngầm tràn ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) ngập sâu trong nước 1m.
Tuyến đường về xã Xuân Hóa (Minh Hóa), đoạn qua ngầm Bến Sú đã ngập sâu khiến người và phương tiện không thể qua lại được. Nước lũ trên sông Rào Nan đang lên nhanh đã ngập sâu ở ngầm tràn về xã Minh Hóa, cô lập toàn bộ địa phương này từ tối 6/10 và có khả năng gây ngập lụt ở xã rốn lũ Tân Hóa nếu trời tiếp tục mưa lớn.
Các tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); vào các bản vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)… đã bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ các khe suối dâng cao.
Nước lũ các khe suối dâng cao đã khiến 3 gia đình ở thôn Tân Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị mắc kẹt trong rừng khi đi trồng keo ở bản Ploang.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, mực nước tại sông Son, sông Chày và các khe suối đang lên nhanh, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạm ngừng đón khách tại một số tuyến, điểm du lịch: Tuyến tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn; tuyến khám phá chiều sâu bí ẩn động Phong Nha 4.500 m; tuyến du lịch sông Chày - hang Tối; điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc.
Tại Quảng Trị, chiều 7/10, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang tích cực tìm kiếm 2 người đàn ông bị nước lũ cuốn trôi mất tích khi đang chèo đò qua suối.
Trước đó, vào khoảng 11h cùng ngày, anh Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) và anh Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú tại thôn Tân Linh, xã Hướng Tân) trong lúc đang chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán trong thời điểm mưa lớn, không may đò bị lật khiến cả hai mất tích.
Được biết, địa điểm 2 người đàn ông gặp nạn ở khu vực gần thủy điện có thi công đập dâng phụ để ngăn bồi lắng.
Cùng trong ngày 7/10, cơ quan chức năng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn đang tích cực tìm kiếm một nam thanh niên bị nước lũ cuốn trôi mất tích khi đang đi xe máy trên đường.
Trước đó, khoảng 21h30 ngày 6/10, anh Quốc Đình Huy (26 tuổi, trú xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển xe máy chở anh Phạm Thành Luân (27 tuổi, trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lưu thông trên đường liên thôn thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Khi đến cống số 2 thuộc thôn Đoàn thì nước lũ bất ngờ đổ mạnh, dâng cao dẫn đến xe chết máy. Cả hai đã bỏ lại xe chạy lũ nhưng sau đó đã bị nước lũ cuốn trôi. Anh Huy may mắn bơi được vào bờ, còn anh Luân bị mất tích.
Được biết, anh Huy và anh Luân mới tới địa phương làm công nhân của một công ty điện năng lượng mặt trời đang thi công công trình trên địa bàn.
Cũng trong đêm 6/10, mưa lớn xuất hiện tại huyện Chư Prông, Gia Lai, khi anh Nguyễn Văn Trường (37 tuổi) và con trai Nguyễn Hoàng Bảo Long (7 tuổi) đi qua đập tràn để về nhà thuộc xã biên giới Ia Púch thì bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Dự báo của cơ quan chức năng, cho tới ngày 10/10, mưa lớn tiếp tục trút xuống các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, gây úng ngập, sạt lở, lũ trên các dòng suối. Nước trên các dòng sông lên cao đồng thời đe dọa các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong vùng.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, các tỉnh, thành phố Trung Bộ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới (tính từ ngày 7/10) và chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7-9/10 khu vực này có lượng mưa từ 300 -500 mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi từ 500-700 mm. Đợt 2, khoảng từ 12-14/10.
Tổng lượng mưa cả đợt ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong 10 ngày tới khoảng 500-1000mm, có nơi từ 1000-1200mm.
Thời gian này, lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 và trên báo động 2, một số sông suối nhỏ lên mức báo động 3. Lũ trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động 1- báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Lũ trên các sông ở Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2. Lũ trên các sông ở Nam Tây Nguyên ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ có khả năng lên báo động 2-báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh, thành phố Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
K.Vy