Hẹn ở Nhà văn hóa thôn Ðông Dương (xã Xuân Phúc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh) nhưng khi gặp, ông Lê Văn Bản - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn gợi ý: “Trời nóng quá, ta ra khu ao đầm của tôi cho mát!”.
Theo ông Bản ra khu đầm (cách 3-4 km), chúng tôi “ngây người” trước sự trù phú, khang trang, sạch đẹp của quê ông. Cổng vào giáo xứ Xuân Dương (thuộc Giáo phận Bùi Chu) cao to, đường vào rộng tới 7m, trải bê tông; bên này đường nhà cửa toàn cao tầng, biệt thự, bên kia đường là hàng cau được trồng đều tăm tắp, xen kẽ là những cột đèn cao áp; cứ một đoạn lại có một lá cờ Tổ quốc.
Ông Lê Văn Bản không chỉ làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đông Dương mà còn đang làm Chủ tịch Hội đồng mục vụ (Trùm chánh) giáo xứ Xuân Dương, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Xuân Hòa - nơi có khu nuôi thả rộng đến 25ha chúng tôi đang ngồi trò chuyện. Trước đó ông có đến 17 năm làm trưởng thôn Đông Dương.
Ở tuổi 71, ông Bản vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông kể, 15 tuổi đã theo nghề xẻ cưa; đến năm 1972 thì nhập ngũ, vào Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), tham gia giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4/1975; ít lâu sau thì tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, liền sau đó lại cơ động ra chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Phục viên, ông có 10 năm vào các tỉnh miền Trung làm kinh tế. Từ năm 1999 ông về quê, vừa làm kinh tế gia đình (nuôi trồng thủy sản) vừa gắn bó với xóm làng, xứ đạo trong nhiều vai trò khác nhau, như đã kể.
Ông Bản cho biết thôn có 353 hộ, 960 nhân khẩu, đều là đồng bào theo đạo Công giáo. Ngoài trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bà con trong thôn còn phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Nhiều lao động khác của thôn còn ra ngoài làm kinh tế, bằng nhiều công việc khác nhau, cả thôn gần như không còn hộ nghèo. Thôn Đông Dương nói riêng, giáo xứ Xuân Dương nói chung có niềm vinh dự được đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm là vì quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua, nhờ đoàn kết, cán bộ, nhân dân trong thôn, trong giáo xứ đã làm được nhiều việc xây dựng, phát triển xóm làng, xứ đạo. Một trong những thành quả là thôn đã mở rộng, nâng cấp được toàn bộ hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đường ra nghĩa trang, đường liên xóm, xây dựng được Nhà văn hóa thôn khang trang, giúp thay đổi hoàn toàn điều kiện sản xuất và dân sinh ở địa phương. Riêng giáo xứ Xuân Dương thì đã làm được công trình “lịch sử” là mở rộng đường vào giáo xứ rộng đến 7m.
Tuy nhiên, theo ông, khó nhất trước khi làm là tạo được sự đồng thuận của hơn 350 hộ dân trong thôn, hơn 7.000 người trong giáo xứ.
“Quyết định mở rộng đường nội đồng từ 50cm lên 2,5m, khi họp dân, tôi phân tích với bà con rằng, mỗi hộ chỉ hiến mỗi sào mấy mét vuông đất, đóng góp thêm vài trăm nghìn nhưng đổi lại đường được mở rộng, có thể đưa xe cộ, máy móc vào các khâu sản xuất, thoát cảnh oằn vai gánh gồng, vận chuyển. Được bà con đồng thuận, nhất trí, mấy cán bộ cơ sở chúng tôi phấn khởi lắm, đi liên hệ mua vật liệu, huy động nhân lực tổ chức thi công. Đến giờ các công trình vẫn bền đẹp, phục vụ rất tốt hoạt động sản xuất” - ông Bản nhớ lại.
Tương tự như vậy, khi mở rộng đường vào giáo xứ, các ông không chia đều mức đóng góp mà đi đến từng nhà vận động ủng hộ theo khả năng, kết quả ngoài mong đợi, người ủng hộ 100 nghìn đồng cũng có, 10 triệu đồng cũng có, 100 triệu đồng cũng có. Chỉ một chuyến đi vào miền Nam, gặp gỡ con em giáo xứ đang sinh sống làm ăn ở đây các ông cũng nhận được mấy trăm triệu đồng ủng hộ. “Vui nhất là khi làm xong nền đường, các hộ có nhà ở mặt đường đều nhận tự đổ bê tông đoạn qua nhà mình, vì đường được mở rộng vừa đẹp, thuận tiện chung cho giáo xứ vừa đẹp, thuận tiện riêng cho mỗi gia đình. Hôm đổ bê tông, hộ nào cũng tổ chức liên hoan, rất vui” - ông Bản kể.
Hỏi ông 25 năm liên tục “thổi tù và hàng tổng”, lăn lộn với công việc chung của xóm làng, xứ đạo, điều gì quan trọng để một cán bộ cơ sở như ông được tín nhiệm? Ông Bản trải lòng: “Phải tận tâm, trách nhiệm, chí công, vô tư, vừa phải biết nghĩ, biết nói, vừa phải biết làm, lấy sự đoàn kết, ấm êm, bình yên chung của xóm làng làm mục đích sống, làm việc”.
Rồi nữa, theo ông, tuyên truyền, vận động bà con, xóm giềng phát triển kinh tế nhưng kinh tế gia đình ông lại “lẹt đẹt” thì không thuyết phục. Đó là lý do ngoài công việc chung của xóm làng, xứ đạo, ông Bản luôn suy nghĩ, tìm tòi để phát triển kinh tế của gia đình và xóm giềng, làm giàu ngay trên quê hương mình. Thành quả là từ 10 năm trước ông đã gây dựng được hợp tác xã thủy sản, với 25 thành viên, tổng cộng có 25ha nuôi trồng, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho khoảng 40 lao động. Ngoài ra còn gây dựng được một xưởng may, tạo việc làm cho một số lao động nữ ở địa phương.