Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3/6, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nơi nào bán nhà ở xã hội xã hội sai đối tượng thì phải cương quyết thu hồi.
Nhà ở xã hội là mơ ước của người lao động thu nhập thấp và một số đối tượng ưu tiên khác với quy định rõ ràng. Chính sách ưu đãi được Chính phủ, Quốc hội ban hành cùng các quy định pháp luật liên quan đến việc xác định rõ đối tượng được thụ hưởng, các điều kiện tiêu chí được mua, thuê nhà ở xã hội hết sức công khai, minh bạch để người thu nhập thấp được hưởng đúng các ưu đãi của chính sách này và tránh trục lợi chính sách.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng. Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật danh sách mua nhà ở xã hội lên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để đảm bảo công khai, minh bạch danh sách đối tượng này đảm bảo yêu cầu. Ông Sinh cũng nhấn mạnh, các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Nếu phát hiện mua bán không đúng đối tượng thì thu hồi.
Quy định là vậy nhưng trong khi “biển người” xếp hàng bốc thăm mua nhà ở xã hội tại Hà Nội gần đây thì cũng khó có thể nói là không có chuyện "cò" ăn chênh hàng trăm triệu đồng. Trong một lần bốc thăm (ở Nhà thi đấu quận Cầu Giấy, Hà Nội), theo kết quả tiếp nhận hồ sơ, số lượng phiếu trúng căn mua là 149/1407. Tỷ lệ chọi các suất mua khoảng 1/9, tức là có đến hơn 1.000 suất bị loại, nhiều người đành "lỡ hẹn" với giấc mơ an cư. Đáng nói là một số người cho biết họ đều đã từng tiếp cận với "cò đất" trước đó, đóng chênh mỗi suất khoảng 350 triệu đồng và được cò cam kết chắc suất ngoại giao. Tuy nhiên, phép màu với họ lại không xảy ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, nhiều người lái ô tô đi bốc thăm mua nhà ở xã hội ở khu đất dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ông Đường cho biết, đây là khu đất đẹp, nhà ở có giá trị lớn, từ 35 - 45 triệu đồng/m2. Chính vì vậy, nếu người dân bốc trúng mà mua được một căn hộ thì lập tức có lãi 100% “nên nhiều người đi ô tô vào đó bốc thăm lắm".
Vẫn theo ông Đường, những người có thu nhập thấp (trong đó có công chức, viên chức) thì phải đi làm hàng ngày, khó có thời gian đi làm hồ sơ, bốc thăm. Còn những người đi bốc thăm đa số là người nhàn rỗi và là người có tiền. Đặc biệt, mua được một căn nhà ở đây được ví như "trúng xổ số, trúng xe ô tô" thì nhiều người càng đổ xô đến.
Còn theo ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) thì để tránh chọn nhầm đối tượng, Hà Nội cũng đã có chương trình riêng, giao cho ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi; nếu có sẽ thông báo trực tiếp về Sở Xây dựng Hà Nội để tổng hợp, điều tra. Trường hợp phát hiện sai đối tượng, gian dối khi mua nhà ở xã hội sẽ cho thu hồi căn nhà này lại ngay.
Cũng về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trước đó đã có phương thức chấm điểm dựa trên các tiêu chí ưu tiên các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, phương thức này cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi, thậm chí, trong quá trình chấm điểm ở các địa phương có xuất hiện tiêu cực. Phương thức bốc thăm thể hiện tính công bằng, minh bạch.
"Chúng tôi đang xây dựng cổng thông tin về đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sau khi các địa phương đã xác nhận cho đối tượng đó được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Mọi người có thể lên cổng thông tin đó kiểm tra, gõ tên người đăng ký mua nhà ở xã hội thì sẽ biết được thông tin, ngoài ra cũng đảm bảo đối tượng đó sẽ chỉ được mua nhà ở xã hội một lần" - ông Hưng nói.