Minh bạch hoạt động từ thiện

Ngọc Quang 20/07/2022 07:50

Từ ngày 1/9, hoạt động kêu gọi và phân phối nguồn từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch. Đó là một trong những nội dung được nêu tại Thông tư số 41 vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Thông tư quy định cụ thể hoạt động từ thiện với tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định.

Thông tư 41 được coi là một bước tiếp tục hoàn thiện hoạt động từ thiện, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Không chỉ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị mà cả với cá nhân cũng phải mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; công khai tình hình tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật. Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt nhưng chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản ngân hàng được mở riêng cho mục đích xã hội.

Lâu nay, vấn đề tiếp nhận và phân phối nguồn tiền từ thiện được xã hội rất quan tâm. Để hoạt động này đi vào nề nếp, đúng pháp luật, ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo ông Nguyễn Quang Đồng (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) thì trong bối cảnh hiện nay nên chia những cá nhân quyên góp làm từ thiện thành 2 nhóm. Thứ nhất là những người cố tình "ăn chặn" từ thiện thì cần xử lý hình sự. Trường hợp thứ hai, họ quyên góp từ thiện nhưng do lỗi kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, như phát trùng tiền ủng hộ tại các địa phương... thì không nên truy tố. Cơ quan quản lý nên khuyến khích cá nhân làm từ thiện chuyên nghiệp hơn.

Từ thiện là nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa sâu rộng. Đất nước ta vốn phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ, khiến nhiều nơi đồng bào chịu khổ cực, rủi ro. Chính vì vậy tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” đã trở thành truyền thống, là đạo lý của người Việt Nam ta. Gần đây, qua những trận lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung chúng ta càng thấy toát lên tinh thần cao đẹp ấy. Đó là rất nhiều tổ chức, cá nhân đã quyên góp giúp đồng bào vùng lũ. Trong dịch Covid-19, một lần nữa lại xuất hiện biết bao tấm lòng cao cả, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong khó khăn, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đứng ra vận động quyên góp từ thiện, để giúp đỡ người dân vùng khó khăn. Tuy nhiên, cũng vì cung cách hoạt động chưa chuyên nghiệp, không nắm vững những quy định pháp luật nên có lúc, có nơi đã xảy ra điều tiếng, làm buồn lòng người thiện tâm đóng góp và cũng ảnh hưởng tới hoạt động thiện nguyện. Chính bởi những hoạt động đôi khi mang tính tự phát nên dẫn đến thiếu sót, làm mất đi lòng tin, ảnh hưởng tới bản chất tốt đẹp vốn có của hoạt động từ thiện.

Theo ông Bùi Hoài Sơn (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), hoạt động từ thiện cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cần có sự minh bạch, rõ ràng và đúng theo các quy định của luật pháp. Như vậy, số tiền quyên góp từ thiện mới được sử dụng đúng mục đích, kịp thời và đúng ý nghĩa. Ông Sơn cũng cho rằng, từ thiện là một hoạt động hết sức quan trọng của xã hội, cho nên về lâu dài, cần có một đạo luật để bao quát cả hoạt động quyên góp, cứu trợ, thiện nguyện nhằm hình thành khung pháp lý toàn diện; đảm bảo công tác này được thực hiện minh bạch; tạo niềm tin cho cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình thiện nguyện.

Trở lại với Thông tư 41 của Bộ Tài chính mới ban hành, có thể thấy khung khổ pháp lý về hoạt động từ thiện dần được hoàn thiện, bao trùm cả với tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong vận động từ thiện. Tuy chưa quy định thành luật, nhưng Thông tư 41 cũng được coi là bước tiến quan trọng với những quy định rõ ràng nhấn mạnh đến tính công khai, minh bạch, đặc biệt là việc phải mở sổ kế toán đối với hoạt động từ thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch hoạt động từ thiện