Chiều nay (22/11), Bộ GDĐT sẽ công bố quyết định phê duyệt sử dụng các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để áp dụng từ năm học 2020- 2021. Theo nhận định của các thành viên Hội đồng Thẩm định SGK, mỗi bản mẫu đều có quan điểm biên soạn riêng. Cách thức thể hiện, sắp xếp chủ đề bài học và lựa chọn ngữ liệu sử dụng trong SGK có khác biệt.
(Ảnh minh họa).
Phong phú hướng tiếp cận
Trước đó, từ đầu tháng 9 tới cuối tháng 10 vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức 3 hội nghị ở ba miền để giới thiệu 4 bộ SGK lớp 1 được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK thông qua.
Theo đánh giá chung, các bản mẫu đều được tác giả xây dựng công phu, trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình GDPT với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Các thành viên Hội đồng Thẩm định SGK chia sẻ, họ đã đánh giá chi tiết từng nội dung kiến thức, xem xét từng hình ảnh sử dụng trong bản thảo SGK đã thân thiện, phù hợp với học trò lớp 1 chưa; lượng kiến thức cung cấp trong từng tiết học có vượt quá khả năng của học sinh hay không. Thậm chí đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa trong Hội đồng Thẩm định SGK.
PGS Đào Đức Doãn - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK môn Đạo đức lớp 1 - cho biết, 6 bản mẫu SGK môn này đều có những sáng tạo và nét độc đáo riêng. Theo ông các tác giả SGK đều là những nhà khoa học và mỗi người có cá tính, quan điểm, cách thể hiện riêng. Hội đồng Thẩm định làm việc trên cơ sở dựa vào Chương trình GDPT mới, các văn bản quy định tiêu chí đánh giá SGK, đồng thời tôn trọng sự khác biệt của các tác giả. Sự khác biệt ấy, theo ông Doãn, là điều tất yếu khi bản thân chương trình GDPT 2018 có tính mở, trao quyền chủ động sáng tạo trong cách diễn giải vấn đề, cách sử dụng ngữ liệu, phương pháp sư phạm cho tác giả SGK.
Còn theo GS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK môn Toán lớp 1, một số bản mẫu SGK có những điểm giống nhau là không thể tránh khỏi. Mỗi quyển sách phải thể hiện đầy đủ nội dung đã quy định trong cấu trúc khung, cũng như các yêu cầu đối với từng chủ đề. Với 6 bản mẫu SGK môn Toán, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho người học.
Sự thể hiện yêu cầu tích hợp và phân hóa, việc tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và cách thức đánh giá... trong mỗi bản thảo SGK môn Toán lớp 1 cũng khác nhau. Điều đó tạo nên sắc thái riêng của mỗi bản SGK.
TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, sau thời thời gian tiến hành rà soát các điều kiện mang tính pháp lý liên quan, Bộ GDĐT sẽ công bố các bộ SGK được lựa chọn gồm: Môn Tiếng Việt (6 bản thảo); môn Toán (6 bản thảo); môn Đạo đức (6 bản thảo); môn Tự nhiên-xã hội (5 bản thảo); môn Giáo dục thể chất (4 bản thảo); môn Nghệ thuật - âm nhạc (5 bản thảo); môn Nghệ thuật - mỹ thuật (5 bản thảo); môn Hoạt động trải nghiệm (6 bản thảo); môn Tiếng Anh (6 bản thảo).
Các hội đồng đã tiến hành thẩm định qua 2 vòng và đạt được kết quả sơ bộ: Có 38 bản thảo SGK ở tất cả 9 môn học được đánh giá “đạt” và đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt. Ông Thái Văn Tài cho biết thêm, Bộ GDĐT cũng đang trưng cầu ý kiến về Dự thảo hướng dẫn chọn SGK, dự kiến ban hành vào tháng 12. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng SGK.
Cần chọn SGK phù hợp
Dẫu thế ở thời điểm này, nhiều băn khoăn về việc lựa chọn SGK ở mỗi địa phương ra sao cũng đang được đặt ra. GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho hay, về các nguyên tắc lựa chọn SGK. Luật Giáo dục (sửa đổi) giao việc lựa chọn SGK cho UBND cấp tỉnh. Nhưng để các địa phương lựa chọn được những quyển SGK phù hợp nhất cho từng môn học, thì việc lựa chọn sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Theo ông Thuyết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng Internet. Làm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì người bỏ tiền mua sách mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với đó, một vấn đề nữa cũng cần được Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết. Đó là định giá SGK. Các bộ SGK mới là do các NXB làm bằng vốn của mình. Vì vậy, giá sách phải bảo đảm cho họ thu hồi vốn. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có quy định hoặc hướng dẫn về hạch toán và lộ trình thu hồi vốn, một mặt không để giá sách tăng bất hợp lý, mặt khác không để một số đơn vị trường vốn sẵn sàng chịu lỗ nhất thời để dùng giá thấp, làm phương tiện chèn ép các đơn vị khác.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng phân tích, về chống độc quyền nói chung đã có Luật Cạnh tranh. Quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội và của Luật Giáo dục (sửa đổi) về xã hội hóa việc biên soạn SGK là những quy định có tính nguyên tắc để chống độc quyền trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Do đó ông hi vọng Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GDĐT hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có quy định cụ thể để chống độc quyền SGK.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự thể hiện yêu cầu tích hợp và phân hóa trong các bộ SGK vừa tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và cách thức đánh giá, vừa tạo điều kiện cho người học được phát huy khả năng sáng tạo. Dẫu thế, để người sử dụng SGK được hưởng nhiều lợi ích nhất từ chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nếu ở mỗi địa phương hoặc mỗi trường, giáo viên một môn học chỉ dạy theo một quyển SGK thì đó vẫn là một chương trình, một bộ SGK. Do đó, cần có biện pháp kết hợp kinh phí ngân sách và động viên nguồn lực xã hội để thư viện trường có đủ các bộ SGK cho mỗi giáo viên, mỗi học sinh mượn, sử dụng tại lớp. Khi đó, giáo viên sẽ tham khảo/lựa chọn những bài phù hợp nhất ở những quyển SGK khác nhau để dạy cho học sinh của mình. Như vậy mới phát huy được lợi thế của chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” như kỳ vọng bấy lâu nay.