Xã Đặng Cương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) được biết đến là “thủ phủ” trồng đào Tết của Hải Phòng. Thống kê của UBND xã cho thấy, toàn xã có 75 ha trồng đào với gần 1.300 hộ dân trồng với 30.000 gốc đào cổ thụ ghép mắt đào phai truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, còn một lượng lớn đào liền thân và cành. Theo dự kiến, cùng với diện tích và số gốc hiện có, 5 năm tới sẽ có khoảng 25.000 cây đào cổ thụ mới tại 2 làng Đồng Dụ và Tri Hiếu.
Sản phẩm đào Đặng Cương khá nổi tiếng, không chỉ bán ở Hải Phòng mà còn được người yêu hoa đào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa lựa chọn. Vụ hoa Tết năm 2020, toàn xã thu được 59 tỷ đồng từ trồng hoa cây cảnh.
Theo ông Phạm Văn Phất (làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương), người có gần 30 năm trồng đào cho biết, người dân xã Đặng Cương trồng đào đã từ rất lâu rồi và điểm khác biệt làm nên thương hiệu đào Đặng Cương là có tới 70% là đào cổ thụ ghép mắt.
Để có những gốc đào đẹp như vậy, bà con tìm mua những gốc đào từ nơi khác về, rồi ghép mắt. Mỗi năm trung bình các vườn ở Đặng Cương tiêu thụ khoảng 5.000 gốc đào từ các nơi, để ghép mắt. Đó là những gốc đào của người dân các tỉnh miền núi trồng trên đồi chứ tuyệt nhiên không phải là chặt trên rừng.
Lần này, những gốc đào như vậy đã chuyển về Đặng Cương từ tháng 9/2020, chứ không phải là “đào rừng” như một số thông tin “vu vạ” cho thương hiệu đào ở đây. Thiết nghĩ, để làm nên một thương hiệu là vô cùng khó khăn, nhưng để “vùi dập” nó bằng cách “vu vạ” là việc làm rất đáng tiếc.