Ngay trong tháng đầu năm 2024, du lịch đã khởi sắc với những kết quả rất ấn tượng. Không chỉ du khách nội địa mà khách quốc tế cũng tăng mạnh so với cùng thời kỳ năm trước. Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân cũng đã bắt đầu, vì thế tháng 2 rất hy vọng hoạt động du lịch còn tấp nập hơn nữa.
Tháng 1/2024, TPHCM đón hơn 2,7 triệu lượt khách, trong đó có 416.000 lượt khách quốc tế (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023); hơn 2,3 triệu lượt khách nội địa (tăng 12,9%). Tổng thu du lịch đạt gần 13.000 tỷ đồng (tăng 57,4%).
TPHCM đặt mục tiêu trong năm 2024 ngành du lịch thành phố sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng.
Còn với Hà Nội, tháng 1/2024, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,11 triệu lượt; tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ước đạt 8.777 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, du khách quốc tế ước đạt trên 560.000 lượt, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ (bao gồm 395.000 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Khách du lịch nội địa ước đạt 1,55 triệu lượt; tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong phạm vi cả nước, theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2024, Việt Nam đón hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng gần 74%), số lượng khách cao nhất trong một tháng kể từ sau dịch Covid-19 đến nay và đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp, nước ta ghi nhận đón trên 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
3 quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất là Hàn Quốc (gần 427.000 người); Trung Quốc (hơn 242.000 người) và Nhật Bản (gần 61.000 người). Hai quốc gia ngoài châu Á có số khách du lịch tới Việt Nam nhiều trong tháng 1/2024 là Mỹ và Australia (lần lượt tăng 29% và 67,7% so với cùng kỳ năm trước).
Với những kết quả khởi đầu quan trọng như vậy, có thể nói mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng trong năm 2024 là hoàn toàn có thể đạt được.
Cùng với việc hội nhập sâu rộng vào thế giới, thì nhiều năm qua Việt Nam cũng đã mở cửa đón khách quốc tế. Du khách quốc tế tới Việt Nam ngày một nhiều hơn, tuy rằng so với những lợi thế sẵn có của chúng ta thì điều đó vẫn chưa được như mong muốn. Việt Nam có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm... Nhiều tổ chức du lịch quốc tế xếp hạng cao cho các điểm đến của Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là du khách quốc tế lưu trú dài ngày và quay lại du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn. Cùng đó, chi tiêu của du khách quốc tế cũng không nhiều. Số liệu tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” cho thấy, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người. Trong khi đó, tại Thái Lan là 2.500 USD/người.
Đó cũng chính là bài toán đặt ra với du lịch Việt Nam khi mở cửa, cần sớm có lời giải thỏa đáng.
Nhiều chuyên gia ngành du lịch, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chính đến từ sản phẩm du lịch của chúng ta còn nghèo nàn, đơn điệu và trùng lặp; cho dù nhiều năm qua công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới đã làm tốt. Cùng đó, và cũng rất quan trọng, chính là việc tổ chức du lịch tại các điểm đến còn bất cập. Đó đây vẫn còn nạn “chặt chém” du khách nước ngoài, gây ấn tượng xấu cũng như khiến họ không muốn quay trở lại.
Còn với du khách nội địa? Khái niệm “mở cửa đón khách” cần phải được hiểu là không chỉ dành cho du khách quốc tế, mà cũng rất cần đối với khách du lịch trong nước. Dân số Việt Nam đã ở con số 100 triệu người, khai thác tốt thì ngành du lịch cũng đã đủ bội thu. Mà muốn thế, yếu tố thân thiện phải được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc này, các điểm du lịch cũng làm chưa được tốt. Rõ nhất và cũng phiền lòng nhất vẫn là nạn “chặt chém”, nâng giá các dịch vụ vô tội vạ, đặc biệt ở vào cao điểm du lịch. Trong khi việc xử phạt những hành vi bắt chẹt du khách không được địa phương xử lý nghiêm.
Đó là tồn tại cũ, đã được nói rất nhiều nhưng tiếc thay vẫn không thay đổi. Vì vậy, tháng 2 này, khi du lịch mùa Xuân mạnh mẽ, thì cũng cần coi đó là “phép thử” cho thấy có sự tiến bộ hay không.