Mở cửa du lịch: Nhân sự lục tục quay trở lại

Nguyễn Hoài 24/02/2022 11:02

Sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch kể từ ngày 15/3, sớm hơn so với kế hoạch dự kiến 3 tháng. Thông tin này đang được sự quan tâm đón nhận của khách du lịch trong nước và quốc tế và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Không chỉ có người dân háo hức được “nạp năng lượng” mà các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng cho biết đã sẵn dàng kích hoạt lại hoạt động với những sản phẩm du lịch phù hợp trong điều kiện bình thường mới.

Đếm ngày mở cửa

Gần hai năm không được dẫn khách, nhiều hướng dẫn viên đang rất phấn khởi, háo hức chờ ngày du lịch được mở cửa để trở lại công việc vốn là đam mê.

Hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn khách du lịch sang Trung Quốc, anh Nguyễn Trọng Quang (39 tuổi, Hà Nội) cho biết, nếu như không có dịch, mỗi tháng thu nhập của anh từ nghề khoảng từ 20 đến 30 triệu. Với anh như vậy là tạm đủ để chi tiêu, trang trải cuộc sống. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 khiến hai năm nay, anh không kiếm được đồng nào từ nghề.

Các doanh nghiệp du lịch đang mong chờ ngày du lịch mở cửa trở lại.

Không chỉ có anh bị ảnh hưởng thu nhập mà nhiều đồng nghiệp khác cũng lao đao vì dịch bệnh. Thế nên theo anh Quang, anh và các hướng dẫn viên khác đang chờ đợi từng ngày, từng giờ du lịch được mở cửa trở lại.

Anh Quang chia sẻ: “Tôi và đồng nghiệp đang rất phấn khởi. Chúng tôi đang chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho ngày trở lại lần này”.

Trên cương vị doanh nghiệp du lịch, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Công ty CP Du lịch ANZ Việt Nam cho hay, du lịch hồi phục sau thời gian dài bị “đóng băng” là điều mong đợi từ lâu của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Tuy nhiên, theo bà Hằng, để du lịch phục hồi hoàn toàn còn cả chặng đường dài, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Thay vì tham gia các tour đi theo đoàn, dịch bệnh khiến xu hướng của khách đã khác đi nhiều. Khách không còn nhu cầu đi theo đoàn mà đi đơn lẻ tính chất gia đình để tránh tiếp xúc với người lạ. Vì vậy, để chuẩn bị cho lần mở cửa này, bà Hằng cho biết, doanh nghiệp phải thay đổi hướng đi, tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp trong điều kiện bình thường mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Từ đầu năm 2022, nhiều đơn vị du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách trong nước và quốc tế. Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, với thị trường quốc tế, vẫn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì mỗi quốc gia đều có những quy định về phòng dịch riêng.

"Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở TP Đà Nẵng đang rất phấn khởi, lạc quan với chủ trương của Chính phủ. Với điều kiện chuẩn bị tốt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, người dân được tiêm phủ đủ mũi vaccine, tôi tin khả năng phục hồi của ngành du lịch sẽ nhanh trong trong năm tới”, ông Dũng cho hay.

Chạy đua tuyển nhân sự

“Đóng băng” trong thời gian dài, dẫn đến vị trí công việc dẫn tour, hướng dẫn viên, nhân viên sale của các doanh nghiệp du lịch giảm đáng kể.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70-80% lực lượng lao động. Năm 2021 số lượng người làm đủ thời gian còn 25% so với năm 2020.

Từ đầu tháng 2, theo thống kê của Hotel Job, một trong những trang web tuyển dụng hàng đầu ngành du lịch Việt Nam, nhu cầu tuyển nhân sự tăng gấp đôi trước Tết và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch. Lượng hồ sơ xin tuyển tăng gấp ba lần.

Các thông tin tuyển dụng tập trung vào mảng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi, các vị trí quản lý, buồng, bàn, bếp...

Chuẩn bị cho lần mở cửa này, các doanh nghiệp du lịch đang chuẩn bị hướng đi mới phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Để thay đổi hướng đi cho lần trở lại này, lãnh đạo Công ty CP Du lịch ANZ Việt Nam cũng cho rằng, nhân sự đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp du lịch. Muốn giữ chân nhân sự chủ chốt, thời gian qua công ty bà Hằng vẫn cố gắng duy trì hoạt động bằng nhiều cách.

Theo bà Hằng, 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều nhân sự trong ngành du lịch quyết định chia tay với nghề.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhận định, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng, nhân lực của ngành du lịch thiết hụt.

Vì vậy, nếu ngành du lịch được phục hồi mạnh mẽ, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao sẽ tự động là đòn bẩy thu hút lao động trước đây bị phân tán và chuyển sang làm các lĩnh vực khác quay trở lại.

"Chỉ có thể khôi phục lại hoạt động du lịch thì mới thu hút được lực lượng lao động. Bên cạnh đó cần có những cơ chế chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng người lao động. Phần lớn người lao động trong ngành du lịch đều đã được đào tạo bài bản, lâu dài và đều rất nhiệt huyết, vì vậy khi du lịch được mở cửa hoàn toàn, nhân lực của ngành du lịch sẽ quay trở lại", ông Khánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa du lịch: Nhân sự lục tục quay trở lại