Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tổng hợp, đề xuất cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển trong lĩnh vực y tế.
Công văn của Sở Y tế TPHCM cho biết, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc hợp tác y tế công tư theo mô hình tư nhân xây dựng cơ sở mới, bệnh viện công cung cấp nhân sự chuyên môn và thương hiệu sẽ giúp bệnh viện công giảm áp lực quá tải bệnh nhân, phát huy tối đa nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách cho y tế, trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế TPHCM đề xuất cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển; kiến nghị được quyền quyết định một số cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao.
Nếu được UBND thành phố chấp thuận thí điểm, Sở Y tế sẽ vận động hệ thống y tế tư nhân tham gia đầu tư, thành phố tạo điều kiện về cơ chế, chính sách giao đất xây dựng thêm các bệnh viện mới. Đặc biệt, ưu tiên cho các chuyên khoa hiện đang quá tải tại các bệnh viện công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng… quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện.
Đặc biệt là Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao”; xây dựng thêm nhiều khu dưỡng lão phức hợp chăm sóc điều trị cho người cao tuổi, những trung tâm phục hồi chức năng bằng công nghệ cao… rất cần kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư. Đây là những lĩnh vực triển khai hợp tác công - tư khả thi, hiệu quả, bởi thực tế thành lập thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc hợp tác y tế công tư theo mô hình tư nhân xây dựng cơ sở mới, bệnh viện công cung cấp nhân sự chuyên môn và thương hiệu sẽ giúp bệnh viện công giảm áp lực quá tải bệnh nhân, phát huy tối đa nguồn lực xã hội và tạo thêm nguồn thu cho các bệnh viện công lập, giữ chân các bác sĩ giỏi.
Sở Y tế TPHCM trong văn bản cũng kiến nghị thành phố nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách cho phép thu hút nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng từ nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh (tương tự mô hình tại Qatar: tư nhân xây dựng bệnh viện, nhân viên chuyên môn từ Cuba đến làm việc).
Được biết, hiện trên địa bàn TPHCM có 128 bệnh viện đang hoạt động, với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân. Nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh cho khu vực và so sánh với các nước phát triển, chỉ số giường bệnh của TPHCM rất thấp. Trong khi đó một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa lại gặp khó khăn trong phát triển kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng quá chật chội, xuống cấp, nguồn kinh phí hạn hẹp.
Trong một diễn biến khác, mới đây lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kiến nghị khi thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cơ quan thanh tra cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn: hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh… Do giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1-2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định; việc đi lại rất phức tạp. Thời điểm dịch bệnh, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ; rồi giá cả biến động rất nhanh, khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá cả đã giảm, nên các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo.
Bên cạnh đó, một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có tính đặc thù, không thông dụng, có những thiết bị chưa từng sử dụng, khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật. Các đơn vị phải tham khảo từ chuyên gia tuyến trên, hãng sản xuất, việc tìm hiểu thông tin về thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau là rất khó, trong khi thuốc, trang thiết bị phải đảm bảo có trong 24 giờ để chống dịch.
Vì vậy, Sở Y tế TPHCM kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm… phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM trong giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021. Theo đó, đoàn thanh tra chỉ kiểm tra ngẫu nhiên một số gói thầu mua sắm, tuy nhiên đã phát hiện hàng loạt dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Điển hình, với 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng, chống dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) làm chủ đầu tư, HCDC đã xác định giá gói thầu trái quy định, có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây số tiền thiệt hại 6,3 tỷ đồng.
Với 2 gói thầu mua sắm trang phục phòng, chống dịch với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng tại Bệnh viện Từ Dũ và gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch trị giá hơn 1,8 tỷ đồng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cơ quan thanh tra nhận định, nhà thầu là Công ty TNHH thương mại và xuất khẩu BNC có dấu hiệu thông thầu...