Mô hình canh tác lúa thông minh, hay còn gọi là canh tác lúa lý tưởng, áp dụng đồng bộ các khâu sản xuất đang thực hiện ở Hợp tác xã Mỹ Đông 2, thuộc ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, mô hình canh tác này được triển khai tại hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười từ vụ Đông - Xuân 2018, với quy mô dự án 170 ha. Riêng vụ Hè - Thu 2019, có 19 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích xuống giống gần 32 ha, sử dụng các giống lúa thơm như OM 4900, OM 5451, OM 9577 và Đài thơm 8. Hiện lúa trong giai đoạn làm đòng.
Ông Dũng cho biết thêm, khi sản xuất trong mô hình này, nông dân áp dụng đồng bộ 3 khâu trong 1 như: cấy lúa bằng máy, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nẩy mầm, diệt ốc… Điều này giúp giảm chi phí vật tư, giảm chi phí nhân công lao động từ 2 - 3 lần và lượng giống gieo sạ. Ngoài ra, trong thời gian canh tác, toàn bộ quy trình được sử dụng hệ thống quản lý nước ngập khô xen kẽ, công nghệ điện toán đám mây, nông dân bơm nước hoặc rút nước bằng điện thoại.
Qua đánh giá sau các vụ mùa, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng lên ít nhất được 20%.
Đặc biệt, mô hình có sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ước tính, lợi nhuận nông dân thu về 17,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,3 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác thông thường.