Mở lối cho rau an toàn

Lê Bảo 25/07/2023 06:36

Nhiều nông dân, hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận từ cơ quan chức năng, thế nhưng tiêu thụ sản phẩm vẫn khó, vì sao vậy?

Rau hữu cơ vẫn chưa hoàn toàn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng vẫn mơ hồ

Vốn ưa chuộng rau hữu cơ và thường tìm mua ở các đại lý rau sạch, nhưng gần đây bà Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định quay lại mua rau ở chợ. Lý do được bà Hà giải thích, không phải do giá rau hữu cơ cao hơn mà là khó phân biệt giữa rau hữu cơ và rau chợ. “Trước kia ngoài tem nhãn thì tôi nhận thấy dùng rau hữu cơ an toàn hơn, không gặp phải triệu chứng đau bụng, ngộ độc. Tuy nhiên, gần đây dù vẫn mua rau ở các cửa hàng đó với nhãn mác đó nhưng đôi khi vẫn bị đau bụng nên thấy không yên tâm. Do vậy, tôi lại quay sang mua rau ở chợ dân sinh, vừa rẻ vừa có nhiều sự lựa chọn” - bà Hà cho hay.

Chia sẻ tại buổi thảo luận “Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng - NIFAM” do Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) tổ chức mới đây, nhiều người tiêu dùng cũng cho biết, họ đã chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm sạch, rau VietGAP, rau hữu cơ, nhưng nhiều khi lại nhận được sản phẩm không như kỳ vọng. Điều này cho thấy, nhiều người tiêu dùng đã và đang mất niềm tin vào rau an toàn có chứng nhận. “Căn cứ để tin tưởng đây là thực phẩm sạch, hữu cơ cũng rất mơ hồ” - bà Nguyễn Thị Uyên (Hà Nội) khi tham dự hội thảo chia sẻ.

Từ phản ánh của người tiêu dùng, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đồng thời là đơn vị cung cấp, phân phối rau sạch cho rằng, rất khó phân biệt giữa rau thường và rau an toàn. Và cũng không có cơ sở nào để khẳng định, rau ngoài chợ không đảm bảo an toàn và rau được gắn nhãn mác là tuyệt đối an toàn. Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xây dựng chứng nhận VietGap là để người dân làm quen với các các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp bao gồm những nguyên tắc, trình tự trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế.

Tìm thị trường cho rau sạch

Theo nhiều nông dân, rau hữu cơ được trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường nhưng sản phẩm lại không thể cạnh tranh với các loại rau không rõ nguồn gốc. Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ hiện nay của rau hữu cơ chỉ bán được số lượng rất ít cho khách hàng cố định, số còn lại phải bán cho thương lái nhỏ, lẻ, chợ đầu mối với giá tương đương với rau thông thường.

Cùng với đó, việc quảng bá rau hữu cơ còn hạn chế, lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm rau hữu cơ hiện nay vẫn còn thấp bởi họ chỉ phân biệt, nhận diện được rau hữu cơ qua các hệ thống bán lẻ có các chứng nhận, nhãn hiệu, tem mác,... chứ không phân biệt được bằng mắt thường.

Ở góc độ người sản xuất rau an toàn, bà Thanh Hà - đại diện Hợp tác xã Thanh Hà ở Hà Nội cho biết, nhiều nông dân, hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận từ cơ quan chức năng, thế nhưng tiêu thụ vẫn khó, do người tiêu dùng chưa tin tưởng vào các chứng nhận. Thậm chí có nhiều thời điểm, phải gỡ bỏ bao bì dán mác rau an toàn, đem rau ra bán ở chợ đầu mối với giá của rau thông thường.

“Người sản xuất chỉ có thể đảm bảo được giá thành sản xuất, nhưng chưa thể làm chủ được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ được hay không còn phụ thuộc vào các khâu khác, như: bảo quản, vận chuyển, phân phối và truyền thông. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước” - bà Hà nêu vấn đề.

Để rau an toàn có được vị thế trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về giá bán sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế quản lý nhằm ngăn chặn các trường hợp gian lận thương mại, giả danh rau an toàn trên thị trường.

Khẳng định sẵn sàng chi trả xứng đáng cho sản phẩm đúng chất lượng, nhiều người tiêu dùng cũng mong muốn được tiếp cận với thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý, phương thức thanh toán đa dạng, dễ tiếp cận, bán ở nhiều nơi, và sản phẩm phải thực sự an toàn. Một vấn đề băn khoăn đối với người tiêu dùng, đó là các cơ quan quản lý nhà nước phải cho biết, khi sử dụng phải thực phẩm không đạt chất lượng thì cần gặp ai, khiếu nại ở đâu?

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dù đã có nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng hiện cả nước chỉ có khoảng 174.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm một diện tích khá khiêm tốn so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước (trên 11,7 triệu ha).

Cả nước hiện có khoảng 555 cơ sở sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ, nhưng chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình. Thực tế không chỉ rau hữu cơ mà phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở lối cho rau an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO